TS.Nguyễn Minh Tuấn: Nghề báo không chỉ cần chữ nghĩa hay, mà phải có tư duy sắc bén

Sự chuyên nghiệp của nghề báo là việc nói cho công chúng thứ họ cần biết, chứ không chỉ điều họ muốn biết"

- Walter Cronkite

Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn, giảng viên chuyên ngành báo chí, đã truyền cảm hứng cho tôi qua những bài giảng, những lời khuyên chân thành và cả sự nghiêm khắc cần thiết.

Tôi sinh ra và lớn lên tại làng Chom Phết, huyện Si Sắt Tạ Nak, thủ đô Vientiane (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào). Năm 2020, tôi được cử sang Việt Nam du học. Khoảng giữa năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát. Việc học tập và di chuyển trở nên vô cùng khó khăn. Học trong điều kiện giãn cách xã hội là một thử thách lớn, nhưng cũng là một trải nghiệm đáng nhớ. Tôi dần làm quen với hình thức học trực tuyến, trao đổi qua mạng và tự học nhiều hơn. Nhờ sự hỗ trợ tận tình từ thầy cô và bạn bè, tôi dần thích nghi với môi trường mới. Tháng 9-2021, sau khi hoàn thành chương trình học tiếng Việt tại Đoàn 871, tôi chuyển sang Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội để theo học chuyên ngành báo chí-lĩnh vực mà tôi luôn đam mê. Trong năm học đầu tiên, tôi phải rất cố gắng học để hiểu tiếng Việt mới có thể tiếp thu được bài giảng.

Một trong những điều khiến tôi xúc động nhất chính là sự tận tâm của thầy cô và sự thân thiện của bạn bè Việt Nam. Tôi nhớ mãi những lần được thầy cô hướng dẫn tận tình, từ cách tìm tài liệu nghiên cứu đến phương pháp viết một bài báo. Đặc biệt là Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn, giảng viên chuyên ngành báo chí, đã truyền cảm hứng cho tôi qua những bài giảng, những lời khuyên chân thành và cả sự nghiêm khắc cần thiết. Thầy luôn nhấn mạnh rằng: “Nghề báo không chỉ cần chữ nghĩa hay mà còn phải có tư duy sắc bén, đạo đức nghề nghiệp và lòng dũng cảm để theo đuổi sự thật“. Chính những bài học quý giá ấy đã giúp tôi thêm yêu nghề báo và quyết tâm học hỏi không ngừng để trở thành một nhà báo giỏi trong tương lai.

Không chỉ thầy cô, bạn bè Việt Nam cũng là những người đã giúp tôi vượt qua khó khăn trong quá trình học tập và sinh sống tại đây. Họ không chỉ hướng dẫn tôi cách thích nghi với cuộc sống mới mà còn sẵn sàng lắng nghe, động viên khi tôi gặp khó khăn. Dù đôi khi còn rào cản ngôn ngữ nhưng nhờ sự kiên nhẫn và chân thành, tôi đã kết bạn với nhiều người bạn Việt Nam.

Hơn một tháng thực tập tại Báo Quân đội nhân dân là một trải nghiệm đáng nhớ với tôi. Tại đây, tôi có cơ hội áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế, tiếp cận với công việc của một phóng viên, từ viết tin, bài, chụp ảnh đến biên tập nội dung. Được làm việc trong một môi trường làm báo chuyên nghiệp, tôi càng hiểu rõ hơn trách nhiệm của một nhà báo đối với xã hội.

Trong thời gian du học ở Việt Nam, tôi đã có cơ hội tham gia nhiều hoạt động thực tế đầy ý nghĩa. Tôi được tham quan Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, khám phá nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Những chuyến đi ấy không chỉ giúp tôi mở mang tầm mắt mà còn giúp tôi hiểu hơn về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam. Tôi nhận ra rằng, Việt Nam không chỉ có nền giáo dục chất lượng mà còn có một bề dày truyền thống văn hóa đáng tự hào.

Tôi hy vọng ngày càng có nhiều du học sinh quốc tế có cơ hội trải nghiệm nền giáo dục của Việt Nam và tìm thấy những hành trang bổ ích cho tương lai. Nếu có ai hỏi tôi về Việt Nam, chắc chắn tôi sẽ không ngần ngại mà nói rằng Việt Nam-nơi giúp tôi đã trưởng thành, nơi tôi đã nhận được những bài học quý và cũng là nơi tôi luôn muốn quay trở lại.

Đại úy SOULICHANH OUNTHAPANNHA – Học viên Lớp báo chí quân sự Lào khóa II, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội

(Bài viết được đăng trên Báo Quân đội nhân dân, ngày 25/3/2025. Tựa đề bài đã được tác giả đặt lại)

"New media and mobile entertainment are revolutionizing the way people learn about the world"

Stephen Kinzer

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*