Kỳ 3: “Bắt mạch, kê đơn” điều trị căn bệnh trầm kha

Sự chuyên nghiệp của nghề báo là việc nói cho công chúng thứ họ cần biết, chứ không chỉ điều họ muốn biết"

- Walter Cronkite

Tiếp tục thực hiện, hoàn thiện quy định pháp luật đảm bảo an ninh không gian mạng, kết hợp đấu tranh phòng chống lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, đồng thời tăng cường giáo dục nhận thức cho thế hệ trẻ…là những giải pháp có tính thực tiễn và cấp thiết hiện nay.

Kết hợp giữa “xây” và  “chống”

Trong những năm vừa qua, nhận thấy những mặt tích cực và mặt trái của Internet và mạng xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra các chủ trương, chính sách về quản lý, sử dụng không gian mạng. Một mặt, Việt Nam không ngừng phát triển mạng lưới Internet và các ứng dụng truyền thông xã hội, phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển xã hội, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Mặt khác, chúng ta đã tăng cường công tác bảo vệ an toàn thông tin, an ninh không gian mạng, trong đó chú trọng vào hoạt động phòng, chống lợi dụng “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí” để xuyên tạc, chống phá chính quyền, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, Việt Nam đã xây dựng hành lang pháp lý và các văn bản định hướng, chỉ dẫn cho cá nhân và tổ chức thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Trong đó có Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 16-9-2013, của Ban Bí thư khóa XI, về “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng”; Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 17-6-2014, của Thủ tướng Chính phủ, về “Tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới”. Đặc biệt là Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-1-2018, của Bộ Chính trị về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Ngoài ra, Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018 đã cụ thể hoá những hành vi vi phạm, sẽ bị pháp luật xử lý (trong đó quy định rõ về các hành vi đưa thông tin sai lệch, bịa đặt, xuyên tạc lịch sử, phát tán thông tin gây hoang mang cho người dân; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc,..).

Sự phát triển nhanh của công nghệ truyền thông và mạng Internet đòi hỏi chúng ta vừa kiên quyết, kiên trì thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa linh hoạt xây dựng, đổi mới quy định pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng. Đặc biệt là cần ban hành cụ thể, chặt chẽ hành lang pháp lý phòng, chống lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí hòng tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước. Đồng thời, tăng cường lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí truyền thông, và thiết lập thêm các biện pháp răn đe, xử phạt việc vi phạm, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí đối với tổ chức, cá nhân.

Đại hội XIII năm 2021 đã xác định việc tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược an ninh mạng quốc gia và các chiến lược quốc phòng, an ninh khác. Đại hội XIII cũng chỉ rõ: “Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta” [1]. Do đó, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là “kiên quyết đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị của đất nước”[2]. 

Hiện nay, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đang không ngừng lợi dụng không gian mạng để tiến hành các hoạt động phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, âm mưu thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, chống phá sự nghiệp cách mạng của Việt Nam. Đồng thời chúng tác động, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, từng bước triển khai thực hiện mục tiêu thay đổi chế độ chính trị nước ta. Trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phòng, chống xuyên tạc, lợi dụng quyền “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí” trên không gian mạng cần sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó cần nêu cao tinh thần tiền phong gương mẫu của các cấp uỷ đảng và đảng viên, sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo từ trung ương đến địa phương, từ trong nước đến hải ngoại.

Công cuộc đấu tranh phòng, chống thế lực thù địch, phản động và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng cần được triển khai đồng bộ, toàn dân toàn diện, tạo luồng xung lực lớn áp đảo và xoá sạch luồng thông tin xấu độc, có hại cho sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Đặc biệt, cần nêu cao vai trò của Ban chỉ đạo 35 các cấp, lực lượng 47 và các đơn vị xung kích khác trong hệ thống chính trị. Đồng thời, cần lan tỏa tinh thần cảnh giác, nhận diện và tham gia đấu tranh đấu tranh phòng, chống âm mưu lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí chống phá Đảng, Nhà nước tới từng người dân, từng khu dân cư, làng xóm trong nước, cũng như tới kiều bào ở nước ngoài.

Giáo dục thế hệ trẻ nhận thức đầy đủ về tự do ngôn luận, tự do báo chí

Xây dựng, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, phòng chống hiệu quả những luồng thông tin xấu độc từ các thế lực thù địch, trước hết, cần đặc biệt chú trọng vào công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ, cụ thể là đối với học sinh, sinh viên và thanh niên. Đây là lực lượng xung kích, năng động và sáng tạo, song cũng bộc lộ những yếu điểm của tuổi trẻ như: Bản lĩnh chính trị chưa thực sự vững vàng, dễ bị tác động tâm lý, dễ xao động, cảm tính và duy ý chí. Do đó, công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp bách và  xuyên suốt hiện nay.

Hiện nay, trước tác động tiêu cực của dòng chảy thông tin phi chính thống từ bên ngoài vào Việt Nam, cùng với sự phát tán tin giả, tin sai lệch trên mạng xã hội, sự lan tràn các sản phẩm truyền thông phi văn hoá trên không gian mạng,… giới trẻ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và dễ dàng bị thao túng tâm lý, từ đó có thể thay đổi nhận thức, dẫn tới thay đổi thái độ và hành vi.  Do đó, cần xây dựng các giải pháp đồng bộ và chuyên biệt, nhằm bảo vệ và tạo hệ thống “miễn dịch” cho thế hệ trẻ, trước những nguy cơ, thách thức từ luồng thông tin xấu độc của thế lực thù địch.

Trước hết, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và các hoạt động xã hội, cần chủ động trang bị và không ngừng cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ nhận thức, ý thức trách nhiệm và bản lĩnh chính trị cho giới trẻ. Từ đó giúp họ cảnh giác, biết cách tự phòng ngừa, có tinh thần phản biện, phản bác và đấu tranh chống lại các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch.

Bên cạnh đó, bằng các hoạt động học tập, rèn luyện trong và ngoài nhà trường, các cơ quan hữu quan cần bổ sung nội dung kiến thức pháp luật, nhằm giúp giới trẻ nhận thức đầy đủ về quyền và trách nhiệm về tự do ngôn luận và tự do báo chí. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần được quan tâm đẩy mạnh, góp phần hình thành cho giới trẻ thói quen “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Ngoài ra, cần trang bị cho giới trẻ có những hiểu biết từ cơ bản và sâu rộng về các vấn đề của xã hội thông tin hiện đại, như: Chiến tranh thông tin, chiến tranh tâm lý bằng truyền thông, …hay cung cấp, cập nhật các nội dung về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược an ninh mạng quốc gia của Việt Nam,… Thông qua đó, giới trẻ nhận thức và hiểu rõ về các vấn đề trên không gian mạng, từ đó có trách nhiệm, nghĩa vụ và từng bước tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.

Tại các cơ sở giáo dục đào tạo các cấp, cần chú trọng, đổi mới hơn nữa công tác giáo dục tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị. Trong đó cần đổi mới hơn nữa về nội dung, hình thức, cách thức, để thu hút sự tham gia đông đảo của giới trẻ, qua đó nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị của thanh niên.

Trong quá trình giáo dục thế hệ trẻ, cần chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, tuyên dương điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt. Xây dựng định hướng, giáo dục theo phương châm “vừa hồng, vừa chuyên”, vừa có tài vừa có đức, đề cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám nói, dám làm; có ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Thế hệ trẻ phải là lực lượng tích cực tham gia vào công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực, có tinh thần tự phê bình và phê bình các nhận thức lệch lạc, bài trừ các tệ nạn xã hội. Đặc biệt, cần khuyến khích thế hệ trẻ có tinh thần chủ động, tích cực trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phòng chống âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch trên không gian mạng trong tình hình mới./.

Tài liệu trích dẫn:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H.NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 108.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H.NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 163.

Tác giả: Nguyễn Minh Tuấn

(Tác phẩm đã đăng trên cuốn sách ““Những tác phẩm tiêu biểu cuộc thi viết chính luận lần thứ 3, năm 2023” của Cục Chính trị/TCCT, NXB Quân đội, năm 2023).

"New media and mobile entertainment are revolutionizing the way people learn about the world"

Stephen Kinzer

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*