Tính chuyên nghiệp của nhà báo và giảng viên báo chí

Sự chuyên nghiệp của nghề báo là việc nói cho công chúng thứ họ cần biết, chứ không chỉ điều họ muốn biết"

- Walter Cronkite

Tóm tắt: Bài viết xem xét phạm trù chuyên nghiệp trong lĩnh vực báo chí, những hằng số về tính chuyên nghiệp của nhà báo trong môi trường hiện đại, cũng như làm rõ những điểm giống và khác nhau của hai nghề – nhà báo và giảng viên báo chí.

Từ khóa: Nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp, giá trị đạo đức, giá trị năng lực, nhà báo, giảng viên báo chí, phương tiện truyền thông đại chúng.

Nghề báo là một hoạt động mang tính cá nhân – tập thể, sản xuất – sáng tạo chuyên môn hóa và đã được thể chế hóa, nhằm thực hiện những hoạt động liên quan đến quá trình tìm kiếm, xử lý và truyền phát thông tin dưới hình thức tác phẩm báo chí. Các đặc trưng sau đây của lao động báo chí cho phép chúng ta xem xét nghề này dưới các góc nhìn khác nhau: i) Tính sáng tạo; ii) Tính công nghệ; iii) Tính thương mại. Ở góc nhìn đầu tiên, những phẩm chất của chủ thể hoạt động, như năng khiếu và tài năng, có vai trò quan trọng. Ở góc nhìn thứ hai, tính thực dụng có vai trò quan trọng; và góc nhìn thứ ba là có tài kinh doanh [5, 9].

Yếu tố sáng tạo của hoạt động báo chí được thể hiện ở tất cả các giai đoạn: Từ bước tìm kiếm chủ đề và xác định các vấn đề thời sự, đến thu thập dữ liệu thực tế, và tạo ra các thông điệp truyền thông. Hơn nữa, sự sáng tạo là vô cùng cần thiết khi xử lý những “chất lỏng” như thông tin và dư luận xã hội. Bởi đó không chỉ là thông tin đơn thuần, mà là cả thông tin xã hội, vừa mang tính chất dữ liệu thô, vừa giàu tính tư tưởng và thực tế, và được trình bày một cách cô đọng và thời sự.

Yếu tố công nghệ và thương mại, một mặt được thể hiện ở việc coi nghề báo là phương thức tạo ra thu nhập “để duy trì sự tồn tại của con người” [1, 249], và là cơ hội để đạt được thành công xã hội và phát triển nghề nghiệp; mặt khác, chúng có khả năng thể hiện tính phổ quát, cơ động và siêu hiệu quả,  v.v., khi làm việc với thông tin.

Các hằng số về tính chuyên nghiệp của các nhà báo trong môi trường hiện đại có thể được xem xét như sau. Trước hết, được xem là một nghề khá cởi mở, báo chí thu hút những người có khuynh hướng tự nhiên (natural predisposition) đối với các hoạt động xã hội mang tính thực tế, có tài năng thiết kế và sáng tạo. Tuy nhiên, khi số lượng các phương tiện truyền thông đại chúng tiếp tục tăng lên, đội ngũ người làm truyền thông ngày càng tăng, thì trình độ chuyên môn của họ nói chung có xu hướng giảm xuống. Và sứ mệnh, mục đích, nhiệm vụ của nghề báo thường bị mờ nhạt hơn. Nếu trước đây người ta đến với báo chí vì tính chất nghề nghiệp đặc thù, với mong muốn được phục vụ xã hội, thì ngày nay động cơ hàng đầu thường xuất phát từ ý muốn được thể hiện bản thân, “bán tài năng của mình với giá cao hơn”, thậm chí không quan tâm tới sự quan tâm của công chúng.

Bên cạnh đó, đối với hầu hết mọi ngành nghề, đặc biệt là với nghề báo, giá trị đạo đức (moral value) có tầm quan trọng hàng đầu, sau đó mới đến giá trị năng lực (competence value). Những phẩm chất “lớn lao” (nhằm định hình bản chất nghề nghiệp) và những giá trị mang tính nền tảng có thể được xác định một cách trừu tượng (như mong muốn tự do, tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, …), hay các giá trị cụ thể khác (như tính trung thực, sự cẩn thận). Khi xác định các thành phần của tính chuyên nghiệp, các giá trị được xem xét sẽ quyết định hành vi và hành động của chủ thể, liên quan đến cả đạo đức (tinh thần trách nhiệm, …) và năng lực (tính logic, lý lẽ). Nhưng cần lưu ý rằng, một lãnh đạo có tầm nhìn xa của một tờ báo có uy tín, chất lượng, khi tuyển dụng một phóng viên trẻ, trước hết sẽ quan tâm nhiều tới thái độ, tư tưởng của người đó, còn các kỹ năng chuyên môn sẽ được huấn luyện, nâng cao tại tòa soạn trong quá trình lao động sản xuất báo chí truyền thông.

Về độ chuyên nghiệp của nhà báo và giảng viên báo chí, có thể thiết lập bảng so sánh, với việc sử dụng một số tiêu chí đánh giá như sau:

TTTiêu chíNhà báoGiảng viên báo chí
1Mục tiêu công việcPhản ánh các sự kiện của cuộc sống; phân tích khách quan các vấn đề xã hội, góp phần giải quyết chúng.Đào tạo đội ngũ những người làm báo.
2Chuyên môn và đặc thùGắn liền với các chuyên đề và vấn đề mà nhà báo quan tâm, cũng như với loại hình báo chí và đặc thù ban biên tập của phương tiện truyền thông đại chúng đó (theo tôn chỉ, mục đích của toà soạn).Liên quan đến chuyên môn về khoa học, sư phạm mà giảng viên quan tâm; và đặc thù của bộ môn phụ trách.
3Chức năng– Thu thập thông tin, phân tích và giải thích, đánh giá các sự kiện quan trọng trong các lĩnh vực khác nhau của xã hội; – Trình bày, xử lý các tài liệu theo yêu cầu của từng thể loại, phong cách; – Viết các nội dung và đăng tải trên các phương tiện truyền thông.– Chuẩn bị nội dung tài liệu cho các bài giảng, cho hội thảo, cho các lớp thực hành, thí nghiệm và tiến hành chúng; – Nghiên cứu khoa học theo cá nhân và tập thể; nâng cao trình độ phương pháp luận; công tác giáo dục.
4Điều kiện và đặc điểm công việc– Làm việc tại toà soạn, tại nhà hay tại hiện trường (lúc tác nghiệp); – Lịch làm việc khá linh hoạt, giờ làm việc không quy định chặt chẽ; – Truyền thông tin bằng lời nói và bằng văn bản; – Sử dụng máy tính, phương tiện liên lạc di động.– Làm việc trên giảng đường đại học hoặc ở nhà (học trực tuyến); – Lịch làm việc theo thời khoá biểu; – Truyền thông tin bằng lời nói và bằng văn bản; – Sử dụng công nghệ máy tính, phương tiện liên lạc di động.
5Tính hiệu quảĐảm bảo chất lượng xuất bản phẩm với chuẩn mực chuyên môn và đạo đức; phản hồi của công chúng, cơ quan chính phủ và doanh nghiệp; số phát hành và bảng xếp hạng báo chí.Đảm bảo hoạt động giảng dạy theo yêu cầu tiêu chuẩn giáo dục quốc gia; sự thành công và phản hồi tích cực của người học; các chỉ số tích cực trong hợp đồng lao động.
6Kiến thức– Về lịch sử, lý luận và thực tiễn báo chí. – Các tiêu chuẩn nghề nghiệp và đạo đức nghề báo. – Pháp luật về truyền thông báo chí. – Công nghệ kỹ thuật.– Sư phạm và tâm lý giáo dục. – Lịch sử, lý luận và thực tiễn báo chí. – Các tiêu chuẩn nghề nghiệp và đạo đức nghề giáo. – Pháp luật về truyền thông báo chí. – Công nghệ kỹ thuật.
7Kỹ năng– Kỹ năng giao tiếp (khả năng tiếp cận, khai thác thông tin); – Kỹ năng nghiên cứu (khả năng xác định các sự kiện và nhân chứng quan trọng nhất; khả năng tiến hành nghiên cứu xã hội học, cũng như phân tích dữ liệu, theo dõi phản ứng của khán giả); – Kỹ năng viết lách (khả năng sáng tạo văn bản); – Kỹ năng hùng biện; – Thành thạo công nghệ thông tin.  – Kỹ năng sư phạm về truyền đạt, phát triển, định hướng thông tin; – Kỹ năng giao tiếp và kỹ năng hùng biện (truyền đạt kiến ​​thức hiệu quả cho người học; giao tiếp ngoài lớp học); – Kỹ năng nghiên cứu (chuẩn bị nội dung các bài báo khoa học, sách chuyên khảo, tham gia các hội thảo khoa học); – Thành thạo công nghệ thông tin.
8Ưu điểm và khuynh hướngCó tầm nhìn bao quát, chuyên sâu; có khuynh hướng làm việc hòa đồng, sáng tạo.Tầm nhìn rộng, uyên bác, trí tuệ; có khuynh hướng nghệ thuật, hòa đồng, sáng tạo.
9Những phẩm chất nghề nghiệp quan trọng– Có nền tảng tốt về văn hóa chung; – Khả năng tiếp nhận và xử lý khối lượng lớn thông tin; – Hòa đồng, năng động, kiên trì đạt được mục tiêu; – Khả năng quan sát, trí nhớ tốt; khả năng chú ý, phát triển tư duy phân tích và tưởng tượng, sáng tạo, chính trực, bền bỉ (cả thể chất và tinh thần).– Có nền tảng tốt về văn hóa chung; – Khả năng nhận thức và xử lý lượng lớn thông tin; – Hòa đồng, chống chịu được căng thẳng; – Chủ động, khuôn phép, khéo léo, kiên trì đạt được mục tiêu; – Khả năng quan sát, trí nhớ tốt; chú ý, phát triển tư duy phân tích và tưởng tượng, sáng tạo, chính trực, bền bỉ (cả thể chất và tinh thần)
10Những yếu tố gây cản trở công việc– Thiếu khả năng giao tiếp, thiếu chú ý, cô lập, không có khả năng trình bày suy nghĩ trên văn bản và màn hình; – Tư duy cứng nhắc (không có khả năng đưa ra những quyết định trước những yêu cầu thay đổi của môi trường); – Không có khả năng hoàn thành công việc một cách nhanh chóng.– Thiếu hiểu biết về thực hành báo chí; – Không có khả năng làm chủ lớp học; – Không có khả năng nghiên cứu khoa học và kém trong giao tiếp.
11Những bệnh lý chống chỉ định– Các bệnh lý liên quan đến hạn chế vận động, giáo dục, hoạt động nhận thức, khả năng thiết lập giao tiếp hiệu quả giữa các cá nhân; – Bị vấn đề rối loạn tâm thần và thần kinh.– Các bệnh hạn chế vận động, giáo dục, hoạt động nhận thức, khả năng thiết lập giao tiếp hiệu quả giữa các cá nhân; – Bị vấn đề rối loạn tâm thần và thần kinh
12Các ngành nghề liên quanNgười làm lĩnh vực quan hệ công chúng (PR), nhà quảng cáo, nhà văn, nhà xã hội học.Nhà ngôn ngữ, nhà sử học, nhà tâm lý học, nhà xã hội học
13Cơ sở đào tạoCác khoa và trường báo chí (trình độ cử nhân, chuyên gia, thạc sĩ).Khoa Báo chí (trình độ thạc sỹ, tiến sĩ)
14Các lĩnh vực ứng dụng kiến ​​thức chuyên mônCác cơ quan truyền thông đại chúng, trung tâm báo chí, dịch vụ báo chí ở các tổ chức khác nhau.Các trường đại  học, cao đẳng.

Trong môi trường truyền thông chuyên nghiệp, có ý kiến ​​​​cho rằng, một người làm báo có thể dễ dàng truyền lại kỹ năng làm nghề cho sinh viên, song điều này không phải lúc nào cũng đúng [4]. ​​​​Thực tế là, việc chỉ được trang bị hệ thống kiến ​​thức và kỹ năng để giảng dạy tại khoa báo chí là chưa đủ, mà cần có thêm các kiến ​​thức phong phú, kinh nghiệm thực tế trong hoạt động tòa soạn, đồng thời cần phải nắm vững một số kĩ năng sư phạm. Và quan trọng nhất phải có tư chất của người hướng dẫn và nhà giáo dục.

Từ nội dung Bảng trên cho thấy, mục tiêu của các hoạt động nghề nghiệp liên quan trực tiếp đến truyền thông đại chúng vẫn có sự khác biệt: Với nghề báo – đó là sự phản ánh bức tranh đầy biến động của thế giới, phân tích khách quan về các vấn đề xã hội, nhằm góp phần giải quyết những vấn đề đó [3]. Với nghề dạy làm báo – đó là việc đào tạo đội ngũ làm việc cho các tòa soạn, cho các cơ quan và trung tâm báo chí.

Chuyên môn và đặc thù công việc của một nhà báo chủ yếu liên quan đến mối quan tâm của anh ta đối với từng chủ đề cụ thể, và phụ thuộc vào loại hình báo chí, cũng như đặc thù của ban biên tập nơi làm việc. Dựa trên quy định về chức năng, có thể phân biệt vị trí của nhà báo, chẳng hạn như nhà báo chuyên đưa tin, nhà báo chuyên phân tích, nhà báo chuyên luận (nhà tiểu luận, nhà trào phúng), v.v.. Dựa theo sứ mệnh của nghề báo, có thể phân loại thành các vai trò khác nhau: Nhà báo-nhân văn (journalist-humanist), nhà báo-chuyên gia (journalist – specialist), nhà báo-nghệ sĩ (journalist-artist) [6]. Trong khi đó, chuyên môn và đặc thù của một giảng viên báo chí có liên quan đến mối quan tâm khoa học và sư phạm của người đó, và đặc thù của bộ môn mà người đó phụ trách (như lịch sử báo chí; lý thuyết và thực hành báo chí; phong cách và biên tập ngôn ngữ, v.v.), hoặc khuynh hướng nghiên cứu khoa học mà giảng viên đó lựa chọn (loại hình báo chí truyền thông; thiết kế đồ hoạ; nghệ thuật thi ca; v.v.).

Mỗi ngành nghề trên có trách nhiệm công việc tương đối khác nhau. Nhà báo có trách nhiệm trong việc thu thập thông tin, phân tích và diễn giải các sự kiện quan trọng; chuẩn bị các sản phẩm báo chí theo thể loại và định dạng nhất định,… Còn giảng viên báo chí, có nhiệm vụ giảng bài, tổ chức hội thảo, tổ chức các lớp học thực hành và thí nghiệm và các nhiệm vụ khác.

Điều đặc biệt quan trọng đối với một giảng viên báo chí là cần phải có kinh nghiệm làm việc nhất định trong hoạt động tòa soạn. Đây là cơ sở giúp họ hoàn thành các nhiệm vụ sư phạm (như giáo dục và đào tạo người học theo quy định tiêu chuẩn giáo dục quốc gia; hay giúp đỡ, hỗ trợ người học tiếp cận thực tế). Đồng thời, thực hiện các chức năng đặc biệt khác như: Truyền đạt kiến ​​thức cho sinh viên, lập kế hoạch hoạt động khoa học sư phạm, kích thích sự hứng thú của sinh viên, thực hành và nghiên cứu khoa học.

Một số kỹ năng của 2 ngành nghề có sự giống nhau (như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nghiên cứu, làm chủ công nghệ máy tính), nhưng, tất nhiên, vẫn có tính đặc thù riêng xuất phát từ điều kiện, tính chất và kết quả công việc, tiêu chí hiệu quả, v.v. [ 2; 7].

Tóm lại, có thể nhấn mạnh rằng, đó sẽ là một phương án hoàn hảo, nếu một nhà báo đang làm nghề chứng tỏ mình là một giảng viên đứng lớp tài năng. Và một giảng viên báo chí có khả năng phối hợp công việc giảng dạy tại một trường đại học gắn với công việc trong lĩnh vực báo chí truyền thông. Bởi vì cách tiếp cận này giúp nhà báo – giảng viên đó trở thành một chuyên gia toàn diện. Tuy vậy, cũng cần nhận thức rõ ràng, nhà báo và giảng viên báo chí là hai nghề khác nhau, đều được xã hội tôn trọng, có những đỉnh cao riêng, và có những chuyên gia hàng đầu chuyên biệt.

Tác giả: GS.TSKH V.V.Tulupov, Trưởng khoa Báo chí, ĐH Quốc gia Voronezh, LB Nga.

Người dịch: TS. Nguyễn Minh Tuấn, Giảng viên Khoa Văn thư lưu trữ và Báo chí, Trường Đại học VHNT Quân đội.

Tài liệu trích dẫn:

[1]. Маркович Д. Ж. Социология труда / Д. Ж. Маркович. — М.: Изд-во Рос. ун-та дружбы народов, 1997. — 511 с.

[2]. Олешко В. Ф. Журналистика как творчество: учебное пособие/ В. Ф. Олешко. — М.: РИП‑холдинг, 2003. — 221 с.

[3]. Прохоров Е. П. Введение в теорию журналистики: учебное пособие / Е. П. Прохоров. — М: РИП‑холдинг, 2000. — 307 с.

[4]. Свитич Л. Г. Профессия: журналист: учебное пособие / Л. Г. Свитич. — М.: Аспект Пресс, 2003. — 253 с.

[5]. Симкачева М. В. Профессионализм журналиста: трансформация понятия, модели практического воплощения: автореф. дис. … канд. филол. наук / М. В. Симкачева. — Казань, 2006. — 24 с.

[6]. Тулупов В. В. Профессиональные типы и роли в журналистике / В. В. Тулупов // Вестник ВГУ. Филология. Журналистика. — 2016. — № 1. — С. 136–140.

[7]. Тулупов В. В. Уроки журналистики: учеб. пособие для вузов / В. В. Тулупов. — М.: Юрайт, 2019. — 105 с.

"New media and mobile entertainment are revolutionizing the way people learn about the world"

Stephen Kinzer

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*