
Tóm tắt: Ngành công nghiệp văn hoá đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, nhất là tại các quốc gia Châu Á, như Hàn Quốc. Những kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hoá cấp độ quốc gia và tại địa phương đang được quan tâm, chia sẻ. Bài viết giới thiệu một số kinh nghiệm từ các địa phương ở Hàn Quốc và cả Việt Nam, từ đó đưa ra các khuyến nghị cho chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá tại tỉnh Nghệ An.
Từ khoá: Công nghiệp văn hoá, Hàn Quốc, Hà Nội, Đà Lạt, Nghệ An.
1. Mở đầu
Công nghiệp văn hoá (CNVH) được xem là lĩnh vực công nghiệp đặc trưng của thế kỷ XXI, là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn tại nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay. Phát triển CNVH đã trở thành xu thế quan trọng trong chính sách văn hoá của nhiều quốc gia. CNVH là lĩnh vực mới nổi trong vài thập niên gần đây, các sản phẩm của ngành rất đa dạng, dựa trên khả năng sáng tạo (hay còn gọi là “ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo”), gắn kết với các giá trị văn hoá và ứng dụng kỹ thuật công nghệ và mạng Internet, phục vụ cho thị trường. CNVH được xếp nằm trong lĩnh vực kinh tế công nghiệp, kinh tế dịch vụ và kinh tế số; “là điểm giao của nghệ thuật, kinh doanh và khoa học công nghệ”; “là cầu nối giữa bản sắc văn hóa quốc gia và hội nhập quốc tế”[1]. CNVH đã và đang tạo ra các giá trị kinh tế – chính trị – xã hội, giá trị thương hiệu quốc gia, gia tăng “sức mạnh mềm” và góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, nhận thấy vai trò, tầm quan trọng của CNVH, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Trong đó tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (năm 2014) đã lần đầu tiên xác định mục tiêu: “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển CNVH, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam”. Đồng thời chỉ rõ nhiệm vụ: “Phát triển CNVH nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới”[2]. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII (năm 2021) của Đảng tiếp tục khẳng định: “Khẩn trương triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành CNVH và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”[3]. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu một trong những nhiệm vụ lớn hiện nay là: “Khẩn trương phát triển các ngành CNVH, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”.
Trong những năm vừa qua, Chính phủ đã xây dựng và ban hành các văn bản nhằm phát triển ngành CNVH trong từ trung ương đến các địa phương. Trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg (ngày 08/9/2016), đã khẳng định: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa” ; “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa”[4]. Chiến lược xác định 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa (gồm quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa), đồng thời đề ra mục tiêu triển khai các lĩnh vực này đến năm 2020 và 2030.
Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành CNVH Việt Nam diễn ra tại Hà Nội hôm 22/12/2023 vừa qua, dưới dự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đã xác định phương châm xây dựng ngành CNVH Việt Nam theo hướng: “Sáng tạo – Bản sắc – Độc đáo – Chuyên nghiệp – Cạnh tranh”, trên nền tảng văn hóa “Dân tộc – Khoa học – Đại chúng” của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943[5]. Đây được xem là Hội nghị đầu tiên và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Một trong những nội dung chính được nêu ra trao đổi, thảo luận, tại Hội nghị là việc: Chúng ta có thể học tập được gì từ những quốc gia đã thành công trong phát triển công nghiệp văn hóa? Đây là nội dung thảo luận vốn đã được quan tâm, luận bàn trong giới chuyên gia, nghiên cứu cả nước về CNVH trong thời gian qua. Từ thực tiễn phát triển, xây dựng các mô hình hay, kinh nghiệm tốt từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (như Thái Lan, Malaysia, Singapore) hay các quốc gia châu Á (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) là những “nghiên cứu trường hợp” điển hình, trở thành cơ sở thực tế, dữ liệu quan trọng để các cơ quan hữu quan từ trung ương đến địa phương tham khảo và vận dụng vào thực tiễn.
2. Kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hoá ở địa phương của Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, việc phát triển CNVH ban đầu có vai trò khôi phục và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhờ vào tư duy sáng tạo và đưa các sản phẩm văn hoá tiếp cận thị trường, Hàn Quốc dần thúc đẩy và biến lĩnh vực này thành ngành công nghiệp quan trọng.
Ở giai đoạn đầu, để “cung cấp chất liệu và tạo nguồn sáng tạo cho lĩnh vực công nghiệp này, Hàn Quốc tiến hành số hóa nguyên gốc văn hóa truyền thống, tạo thành các kho chất liệu, kho tài nguyên số để cung cấp cho các doanh nghiệp và người dân với cách thức gần như là miễn phí. Các sản phẩm văn hóa giải trí chuyển tải một cách sinh động và sáng tạo các nội dung truyền thống nguyên gốc giúp cho người dân Hàn Quốc hiểu biết về truyền thống, nâng cao dân trí và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân”[6].
Các sản phẩm công nghiệp văn hóa thông qua sự truyền tải, lan toả của các phương tiện thông tin đại chúng và mạng Internet đã được phổ cập ra toàn quốc và «xuất khẩu» ra nước ngoài. Ngành CNVH Hàn Quốc có vai trò đưa các giá trị văn hóa của nước này lên một tầm cao mới. Ngoài những giá trị vốn có của văn hóa, còn có thêm giá trị kinh tế, giá trị quyền lực trong chính trị đối nội và đối ngoại. “Sự yêu thích sản phẩm công nghiệp văn hóa giải trí dẫn tới việc tin tưởng vào hàng hóa, dịch vụ, cách thức của Hàn Quốc, và cuối cùng sẽ hình thành sự thiện cảm đối với đất nước Hàn Quốc. Hình ảnh quốc gia trở nên tích cực hơn sẽ là nền tảng xây dựng và nâng cao giá trị của thương hiệu quốc gia. Đây chính là “sức mạnh mềm” của Hàn Quốc không chỉ mang lại những ưu thế trong thương mại, đấu thầu mà còn trong ngoại giao quốc tế của Hàn Quốc”[7].
Những thành công vang dội của ngành CNVH của Hàn Quốc ngày nay đã được cả khu vực và thế giới biết đến. Tuy nhiên, ở giai đoạn khởi thuỷ ban đầu, chính quyền Hàn Quốc và các địa phương của nước này cũng gặp không ít khó khăn, thách thức trong việc biến các giá trị văn hoá thành “sản phẩm văn hoá”, nhằm cung cấp, phục vụ cho thị trường. Việc nghiên cứu kinh nghiệm của các địa phương của Hàn Quốc xây dựng và thực hiện chính sách phát triển CNVH trong giai đoạn ban đầu này có giá trị thực tiễn, là những kinh nghiệm cần thiết cho các địa phương ở Việt Nam học tập và vận dụng.
– Hình thành các khu công nghiệp văn hóa
Cuối những năm 1990, Chính phủ Hàn Quốc đã chủ động triển khai ý tưởng hình thành các khu công nghiệp văn hóa (cultural industrial districts) ở các thành phố lớn. Chủ trương thành lập các khu CNVH ở Hàn Quốc vừa xuất phát từ xu hướng phát triển kinh tế văn hóa của cả nước nói chung, vừa xuất phát từ chủ trương cân bằng phát triển giữa các khu vực trên cả nước. Ban đầu, trọng tâm chính là nhằm quảng bá văn hóa địa phương và sau đó là xây dựng cơ sở hạ tầng cho các hoạt động văn hóa, chủ yếu là quản lý di sản văn hóa truyền thống. Khi hệ thống quản lý địa phương được áp dụng vào năm 1995, chính sách mới bắt đầu được triển khai, trong đó coi di sản văn hóa và nghệ thuật địa phương là phương tiện để phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, nhiều biện pháp, cách làm mới đã được đề xuất. Ví dụ, các lễ hội được tổ chức theo mô hình tập trung tại các địa phương, nhiều dự án cải thiện hình ảnh văn hóa địa phương đã được thực hiện; và các chính sách được mở rộng để làm phong phú thêm đời sống văn hóa của người dân địa phương. Ngoài ra, các khu CNVH ở địa phương có sự kết tụ của các di sản văn hóa, truyền thống và lịch sử của quốc gia hoặc của từng địa phương. Do đó, chúng trở thành tài nguyên đặc biệt phát triển ngành du lịch – dịch vụ, cung cấp địa điểm đa chức năng cho khách du lịch đến thăm và tận hưởng.
Đạo luật Thúc đẩy Công nghiệp Văn hóa (Act for Promoting Culture Industry), được ban hành năm 1999, đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập các khu CNVH. Và theo đạo luật này, Kế hoạch cơ bản để thành lập các khu CNVH công nghệ cao đã được hình thành. Năm 2000, Chính quyền trung ương đã nhận được đơn đăng ký từ các địa phương, và sau đó đã chỉ định các khu công nghiệp văn hóa, bao gồm 10 khu vực: Daejeon (chuyên về công nghiệp trò chơi), Bucheon (phim hoạt hình và hoạt họa), Chuncheon (hoạt hình) và Cheongju (trò chơi giáo dục), Gwangju (chuyên về nhân vật), Jeonju (nội dung HD) và Kyungju (công nghệ thực tế ảo), Busan (truyền thông và phim truyện), Daegu (trò chơi, nội dung di động, thiết kế); Jeju và Mokpo (nội dung du lịch biển và nội dung du lịch di động). Chính sách thành lập các khu CNVH ở Hàn Quốc đã áp dụng cách tiếp cận từ trên xuống do chính quyền trung ương điều phối. Nó tạo cơ sở pháp lý và các thể chế cần thiết, đã nhận được sự quan tâm từ các địa phương, và cung cấp các nguồn tài chính cần thiết cho các địa phương này.
Theo Phó Giáo sư Sungjae Choo, Đại học Kyung-Hee trong nghiên cứu “Cultural Industrial Districts as a Tool of Boosting Regional Economy in Korea”[8] (Tạm dịch: Các khu công nghiệp văn hóa như một công cụ thúc đẩy kinh tế vùng ở Hàn Quốc), chính sách thành lập các khu CNVH được đánh giá tích cực, vì đã tạo cơ sở cho sự phát triển ở những nơi mà ngành CNVH còn yếu kém. Sau 5 năm vận hành các khu CNVH này, các địa phương này đã hình thành hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực CNVH, sử dụng hàng nghìn lao động. Các công ty này ghi nhận doanh thu ban đầu là 151 tỷ won và doanh thu xuất khẩu là 14 tỷ won trong năm 2005. Bên cạnh đó, dự án còn gây ra những tác động tích cực gián tiếp đa dạng thông qua các ngành dịch vụ, thương mại. Các khu CNVH có đặc điểm riêng biệt về chủ thể, quy mô và phương thức thành lập, dần hoạt động chuyên môn hóa. CNVH đã trở thành ngành cơ bản ngày càng phát triển, chiếm một bộ phận trong nền kinh tế của địa phương, góp phần nâng cao hình ảnh địa phương trong tổng thể chung của thương hiệu quốc gia.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, việc phát triển các quận/huyện CNVH trong giai đoạn này cũng bộc lộ một số hạn chế: 1) Quá nhấn mạnh vào vai trò trung tâm của sự phát triển cân bằng; 2) Chưa xem xét đầy đủ nội hàm của lĩnh vực/sản phẩm CNVH được lựa chọn; 3) Chính sách do chính quyền trung ương điều phối cho các cụm công nghiệp văn hóa chưa linh hoạt; 4) Thiếu các công cụ, phương tiện; trung tâm hỗ trợ đủ mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh của lĩnh vực CNVH tại địa phương.
Những cải cách và sửa đổi của chính quyền địa phương sau đó đã góp phần khắc phục các hạn chế, khó khăn, thách thức; từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các khu CNVH này trở thành các điểm phát triển nổi tiếng và quan trọng của ngành CNVH của Hàn Quốc.
- Phát triển “quận văn hóa” trong tỉnh/thành phố
Trong giai đoạn đẩy mạnh chính sách phát triển công nghiệp văn hóa ở Hàn Quốc, một số thành phố/ tỉnh đã được chọn làm trung tâm tập trung nguồn lực đầu tư. Vùng thủ đô (Capital Region) bao gồm thành phố Seoul và tỉnh Gyeonggi và các thành phố công nghiệp như Ulsan, Pohang, Changwon và Gumi là những khu vực được hưởng lợi chiến lược này.
Từ năm 2002, tại thủ đô Seoul, một số cụm văn hóa (cultural clusters) đã được chính quyền địa phương xác định. Mục đích đầu tiên là nhằm bảo tồn di sản lịch sử, sau đó là để bảo tồn các yếu tố nghệ thuật đặc biệt trong khu vực, và sau đó thúc đẩy các hoạt động văn hóa, sản phẩm văn hóa của khu vực đó hướng tới phục vụ thị trường. Việc xác định cụm văn hoá này cũng nhằm hỗ trợ hoạt động xây dựng một mạng lưới «quận văn hóa» (cultural districts) trong khu vực, để khuyến khích sự phát triển nhất quán văn hóa trong thành phố.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc sau đó đã cung cấp các hướng dẫn, bao gồm 6 yếu tố chính tạo thành một “quận văn hóa”, bao gồm: 1) Dịch vụ công cộng (như hệ thống thông tin, phương tiện quản lý, hỗ trợ truyền thông, quảng cáo); 2) Môi trường cảnh quan (đường phố, quảng trường, công viên, vườn hoa, công trình kiến trúc, v.v…); 3) Tài nguyên văn hóa (địa điểm, nơi tưởng niệm và các sự kiện lịch sử, ẩm thực, sản phẩm địa phương); 4) Chỗ ở và giải trí (nhà hàng, khách sạn, khu triển lãm, khu tham gia trải nghiệm); 5) Thông tin về lịch sử (về dân tộc, tôn giáo, kiến trúc, truyền thống, lịch sử); 6) Sự kiện (lễ hội, buổi biểu diễn, triển lãm)[9].
Tháng 4/2002, Insadong trở thành “Quận văn hóa” đầu tiên được chính quyền thành phố Seoul xây dựng, với mục tiêu là bảo tồn truyền thống nghệ thuật và di sản văn hóa, đồng thời xây dựng một trung tâm văn hóa cho khách du lịch. Trước khi được quy hoạch, Insadong là khu vực có lịch sử phát triển văn hoá truyền thống lâu đời. Khi trở thành một “quận văn hóa”, sẽ mang lại nhiều lợi ích nhất định cho người dân và doanh nghiệp trong khu vực. Ví dụ như, các cửa hàng, doanh nghiệp hoạt động về văn hoá trong khu vực này sẽ được ưu đãi thuế, hỗ trợ các khoản vay lãi suất thấp. Quận Insadong bắt đầu tập trung nhiều phòng trưng bày, cửa hàng tranh ảnh, cửa hàng thư pháp, được bố trí trong một khu vực có kiến trúc lịch sử. Nhiều nhà hàng, cửa hàng lưu niệm và cửa hàng đồ cổ nằm trong các con hẻm.
Các hoạt động kinh doanh ở Insadong đã được thay đổi để đáp ứng sở thích của khách du lịch, và thúc đẩy phát triển thương mại và du lịch dịch vụ. Insadong dần trở thành địa điểm mà người Hàn Quốc và người nước ngoài cùng trải nghiệm truyền thống Hàn Quốc. Nó là khu vực độc đáo kết hợp cả giá trị lịch sử và hiện đại ở trung tâm thành phố. Đây là khu văn hoá đa chức năng, cung cấp các trải nghiệm về lịch sử, giải trí, ẩm thực, mua sắm, … cho du khách trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, chính quyền thành phố Seoul đã còn triển khai thêm các dự án cộng đồng ở Insadong, như “Chương trình đường phố không xe cộ” (nhằm phục vụ cho du khách đi bộ và trải nghiệm các sản phẩm văn hoá, du lịch của địa phương) và “Chiến dịch khôi phục 12 cửa hàng nhỏ” (là những cửa hàng thủ công mỹ nghệ, tranh thư pháp truyền thống của Hàn Quốc, nhằm hình thành nên nét đặc biệt và sức hấp dẫn đối với du khách quốc tế). Hay chính quyền thành phố Seoul còn đưa ra loạt sáng kiến dành cho Insadong như: “Phố văn hóa truyền thống” và “Con đường tìm kiếm lịch sử văn hóa”, “Thiết kế Quận văn hóa”,…
Ngày nay, Insadong là một “quận văn hoá”, địa điểm tham quan nổi tiếng ở Seoul và là một trong những nơi tốt nhất ở Seoul để mua đồ thủ công truyền thống và đồ lưu niệm. Insadong cũng là nơi từng được các quan chức nước ngoài như Nữ hoàng Elizabeth II và các hoàng tử Tây Ban Nha, Hà Lan đến thăm.
Trên đây là một vài kinh nghiệm phát triển CNVH tại các địa phương của Hàn Quốc ở giai đoạn đầu. Những bài học kinh nghiệm này còn rất nhiều trên các lĩnh vực cụ thể, cho từng sản phẩm văn hoá khác nhau, đòi hỏi sự đầu tư tâm sức để nghiên cứu và vận dụng ở các địa phương ở Việt Nam. Trong khuôn khổ hạn chế về phạm vi của bài viết này, tác giả chỉ xin gợi mở hướng tiếp cận, để các nghiên cứu tiếp theo sẽ cùng bổ sung, làm rõ.

3. Kinh nghiệm xây dựng công nghiệp văn hoá ở các tỉnh thành phố ở Việt Nam
Theo Báo cáo mới nhất của Bộ VH-TT&DL tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, sau chặng đường 7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chiến lược 1755), các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp hiệu quả vào GDP cả nước. Trong đó, năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP. Trong giai đoạn từ năm 2018 – 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD). Riêng năm 2022, có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa, thu hút khoảng 1,7 triệu – 2,3 triệu người lao động, tăng 7,44%/năm. So sánh với tình hình chung trên thế giới, hiện Việt Nam đang là quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hóa[10].
Hiện nay, Hà Nội, Đà Lạt, Hội An là 3 thành phố của Việt Nam đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó Hà Nội trở thành thành phố Thiết kế sáng tạo, Đà Lạt thành phố sáng tạo âm nhạc và Hội An là thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian. Việc 3 thành phố của Việt Nam xuất hiện trên bản đồ các thành phố sáng tạo toàn cầu là cơ sở để các tỉnh/thành phố ở Việt Nam, trong đó có Nghệ An, tiếp tục phấn đấu và xây dựng lộ trình phát triển để có thể tham gia vào mạng lưới sáng tạo này; đồng thời góp phần giúp Việt Nam là trở thành trung tâm CNVH thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á.
3.1. Một số kinh nghiệm từ thành phố Hà Nội
a) Trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam là thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2019. Sau 4 năm tham gia Mạng lưới, nhằm thúc đẩy các chương trình phát triển văn hóa – kinh tế – xã hội, Hà Nội đã thực hiện được đầy đủ các nội dung, sáng kiến và cam kết với UNESCO. Hà Nội đã tổ chức thành công Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội từ năm 2021 đến 2023, với các chủ đề “Khơi nguồn sáng tạo” năm 2021; “Sáng tạo và công nghệ” năm 2022, “Dòng chảy” năm 2023. Đây là các chuỗi hoạt động, sự kiện nhằm tái thiết đô thị, phát huy và sáng tạo văn hóa, tái thiết di sản công nghiệp… của Hà Nội. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tổ chức nhiều cuộc thi gắn với thiết kế sáng tạo, như: “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội”, “Thiết kế Km số 0”, “Hà Nội sáng tạo”, “Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội”; đẩy mạnh hoạt động của những không gian văn hóa sáng tạo như: Trung tâm Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, tuyến phố đi bộ Hoàn Kiếm, Trịnh Công Sơn, Sơn Tây… Cho đến nay, Hà Nội đã kết nối mạng lưới hơn 100 không gian sáng tạo trên địa bàn Thủ đô. Việc phát triển mạng lưới các Thành phố sáng tạo giúp Hà Nội và các thành phố thành viên xây dựng và phát triển hướng theo 3 trụ cột chính là: Thiết kế, cộng đồng, sáng tạo. Việc tham gia vào mạng lưới này giúp Hà Nội tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ 350 thành phố thành viên khác đến từ 100 quốc gia trên thế giới. Đồng thời, có thể tích cực thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố thành viên.
b) Là thành phố đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Theo đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, mục tiêu chung của Nghị quyết là: “Tạo bước phát triển toàn diện các ngành CNVH của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại: dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu. Tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế của Thủ đô như: Du lịch văn hóa; Nghệ thuật biểu diễn; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Quảng cáo; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Điện ảnh; Thời trang; Ẩm thực; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Truyền hình và Phát thanh; Xuất bản,…phù hợp với thực tiễn Thủ đô và từng giai đoạn cụ thể”[11]. Đồng thời, Nghị quyết cũng xác định các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn, và chỉ ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, công tác tổ chức thực hiện.
c) CNVH trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó trước mắt sẽ tập trung vào một số ngành ưu tiên như: Du lịch văn hoá; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; quảng cáo; ẩm thực; phần mềm và các trò chơi giải trí. Trong thời gian qua, Hà Nội đã xây dựng thí điểm và triển khai một số sản phẩm văn hóa chất lượng, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Trong đó có chương trình tham quan, trải nghiệm di tích Nhà tù Hỏa Lò, với chủ đề “Đêm Thiêng liêng – sáng ngời tinh thần Việt” và “Đêm thiêng liêng 2 – sống như những đóa hoa”; Tour du lịch “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”; chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ngoài ra, Hà Nội tích cực khai thác các di sản văn hoá như: Tháp nước Hàng Đậu, di sản công nghiệp nhà máy Xe lửa Gia Lâm, đầu máy hơi nước Tự Lực.
d) Đầu tư nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng. Theo đó Hà Nội đã thông qua Nghị quyết đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó dành ngân sách tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa. Ngoài ra, Hà Nội còn thông qua các Nghị quyết chuyên đề khác, như: Quy định về đãi ngộ, hỗ trợ với nghệ sĩ, nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT ở các lĩnh vực, câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố hà Nội. Hiện Hà Nội đang tích cực hoàn thiện điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, Luật Thủ đô sửa đổi… Tất cả nhằm tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
e) Chủ động tổ chức hội thảo, tọa đàm nhằm rút kinh nghiệm, hiến kế cho việc phát triển công nghiệp văn hoá ở Thủ đô. Trong khuôn khổ Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đã tổ chức được 8 hội thảo, tọa đàm quốc tế tham vấn xây dựng cơ chế chính sách phát triển Hà Nội – Thành phố sáng tạo. Trong thời gian qa, Hà Nội cũng tích cực tổ chức hội thảo, hội nghị rút kinh nghiệm, tham vấn các chuyên gia trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách và hướng phát triển các sản phẩm văn hoá của Thủ đô trong thời gian tới. Hoạt động này góp phần giúp Hà Nội có cơ sở để nhanh chóng sửa đổi, bổ sung những chính sách sát với thực tiễn, giảm bớt các “rào cản” cho quá trình xây dựng phát triển công nghiệp văn hoá.
3.2. Một số kinh nghiệm từ thành phố Đà Lạt
a) Tham gia thành viên của Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu, lĩnh vực âm nhạc.
b) Đà Lạt đã hoàn thành hồ sơ và đã được UNESCO công nhận các di sản văn hóa thế giới. Đó là Di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”; Di sản tư liệu “Mộc bản triều Nguyễn”. Ngoài ra, khu sinh thái Langbiang của Đà Lạt được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của Việt Nam và đầu tiên khu vực Tây Nguyên. Hiện nay, Đà Lạt đang đang xây dựng hồ sơ trở thành “Thành phố di sản của thế giới”.
c) Xây dựng định hướng phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cho Đà Lạt[12]. Theo đó, trong thời gian tới Đà Lạt tiếp tục quảng bá thương hiệu địa phương “Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành” bằng nhiều hình thức. Đồng thời, sẽ thúc đẩy những chuyển biến ngành du lịch từ số lượng sang chất lượng cao, ưu tiên phát triển “kinh tế đêm”.
d) Tăng cường hợp tác giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương. Đà Lạt sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ và quy định về du lịch chất lượng cao, để các doanh nghiệp du lịch, cộng đồng địa phương có thể đầu tư; tham gia quá trình quảng bá, quản lý du lịch chất lượng cao ở phạm vi trong nước và quốc tế.
e) Đa dạng sản phẩm du lịch văn hoá. Ngoài các sản phẩm văn hoá du lịch đặc trưng về kiến trúc, trang phục, ẩm thực, phong cảnh, làng nghề, phong tục, tín ngưỡng, lễ hội văn hóa dân gian, âm nhạc dân gian… Đà Lạt đang đẩy mạnh phát triển thêm các lĩnh vực mới như: Du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch canh nông, du lịch hội nghị hội thảo, du lịch sáng tạo, du lịch giáo dục, du lịch giải trí và du lịch thể thao.
f) Khuyến khích hợp tác du lịch trong nước và quốc tế, đồng thời chủ động nghiên cứu thăm dò thị trường, rồi tổ chức xúc tiến dựa trên thế mạnh của địa phương.
g) Tổ chức diễn đàn“Hiến kế phát triển du lịch Đà Lạt bền vững”, nhằm tìm kiếm những ý tưởng, đề xuất thực tiễn có tác động đến cảnh quan, trật tự, cải thiện chất lượng du lịch và xây dựng lại tình cảm trong lòng du khách, sẵn lòng lắng nghe những chia sẻ của người dân, các cơ quan chức năng và các chuyên giam nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
4. Các khuyến nghị cho tỉnh Nghệ An
Nghệ An là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hoá, lịch sử, là quê hương của nhiều hào kiệt, chí sĩ yêu nước, danh nhân văn hoá lớn, tiêu biểu nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo Báo cáo của Sở Văn hoá và Thể thao Tỉnh Nghệ An, trên địa bàn toàn tỉnh có 2.602 di tích – danh thắng, trong đó, tính đến tháng 6/2022, có 471 di tích, danh thắng được xếp hạng (gồm 05 di tích Quốc gia đặc biệt, 144 di tích Quốc gia và 322 di tích cấp tỉnh). Trong đó có nhiều di tích đặc biệt như: Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên – Nam Đàn, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Khu di tích lịch sử Truông Bồn, Khu lưu niệm Phan Bội Châu, Đền Vua Lê,… Về di sản văn hóa phi vật thể, hiện Nghệ An có khoảng 546 di sản, trong đó có 07 di sản đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”; nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương được UNESCO vinh danh là “Danh nhân văn hóa thế giới”.
Nghệ An còn có nhiều điều kiện thuận lợi khác về các lĩnh vực: di sản thiên nhiên, lễ hội, làng nghề truyền thống, các thiết chế văn hóa cộng đồng, … Ngoài ra, Nghệ An có địa hình đa dạng, phong phú; dân cư đa sắc tộc, đa văn hoá; điều kiện thiên nhiên, môi trường phù hợp để phát triển đa sản phẩm văn hoá – du lịch – dịch vụ. Người dân xứ Nghệ chịu thương chịu khó; thế hệ trẻ Nghệ An chăm chỉ, hiếu học, có tư duy sáng tạo, đổi mới. Tất cả những yếu tố trên là điều kiện cần để Nghệ An có thể phát triển thuận lợi và thành công ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo.
Xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn từ các địa phương trong nước và ngoài nước, dựa trên đặc điểm tình hình của Nghệ An, để phát triển ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo ở Nghệ An có thể xem xét một số khuyến nghị sau đây.
Một là, cần quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá và đổi mới sáng tạo trong tình hình mới; Chủ động thực hiện, tích cực bám sát các nộidung yêu cầu trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng như các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn khác của Chính phủ và Bộ, ban, ngành hữu quan về phát triển văn hoá và công nghiệp văn hoá.
Hai là, cần nghiêm túcxác định, làm rõ các ưu điểm, hạn chế và thách thức của Nghệ An trong việc phát triển CNVH trong từng giai đoạn, của từng lĩnh vực, của mỗi địa phương trong tỉnh. Từ đó, đề ra được phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, vượt qua thách thức trong ngắn hạn và dài hạn. Về ưu điểm và thuận lợi thì Nghệ An có rất nhiều. Nghệ An hiện có “thiên thời, địa lợi”, song cần xem yếu tố “nhân hoà”. Người Nghệ cần không ngừng thay đổi tư duy làm du lịch văn hóa, sáng tạo sản phẩm văn hoá và “bán” sản phẩm du lịch – dịch vụ văn hoá của mình một cách khéo léo, thông minh và lôi cuốn du khách cả nước và quốc tế.
Ba là, cần nghiên cứu và tìm ra giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển các yếu tố cần thiết cho ngành công nghiệp văn hoá, trong đó tập trung vào nguồn nhân lực – vật lực – hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp văn hoá cấp tỉnh và cấp cơ sở. Cần chú trọng đến 6 yếu tố cần thiết để hình thành nên một cụm văn hoá tại địa phương: Dịch vụ công cộng, Môi trường cảnh quan; Tài nguyên văn hóa; Chỗ ở và nơi giải trí; Thông tin về lịch sử; các sự kiện.
Bốn là, cần đặt mục tiêu phấn đấu trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO (cùng với Hà Nội, Hội An, Đà Lạt). Trong đó cần hướng phát triển theo 3 trụ cột chính là: Thiết kế, cộng đồng, sáng tạo, nhằm theo kịp xu hướng chung của ngành CNVH và sáng tạo của khu vực và toàn cầu hiện nay.
Năm là, xây dựng thí điểm và hình thành các khu công nghiệp văn hóa trọng điểm của tỉnh, huyện. Trong đó cần lựa chọn các khu vực có nhiều ưu thế, điều kiện thuận lợi để xây dựng thí điểm (như Vinh, Cửa Lò, Nam Đàn, Đô Lương, Thái Hoà, Con Cuông). Trong đó cần xây dựng đa dạng các sản phẩm văn hoá theo đặc trưng của vùng miền (vùng biển, vùng đồng bằng, trung du và miền núi).
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu phát triển mạng lưới các địa điểm du lịch văn hoá, sản phẩm văn hoá vật thể và phi vật thể giữa các địa phương trong tỉnh; hình thành tuyến/cụm sản phẩm của ngành Công nghiệp văn hoá đặc trưng của tỉnh và địa phương, vừa thống nhất trong đa dạng từ miền biển, đồng bằng đến trung du, miền núi; vừa đồng bộ trong nhận thức, tư duy nhưng không máy móc, nguyên tắc trong hành động, thực tiễn, mà cần sự linh hoạt, cơ động để thích ứng và phù hợp với tình hình, bối cảnh, đặc thù của từng địa phương. Từ đó có hình thành nên cơ chế, giải pháp phù hợp để liên kết các cụm sản phẩm văn hoá, cụm công nghiệp văn hoá và sáng tạo này lại trong tổng thể chung của Nghệ An.
Sáu là, cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông thông tin, tới người dân trong nước; đồng thời nghiên cứu có chiến lược truyền thông trong ngắn hạn và dài hạn hướng tới du khách và bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, chú trọng việc tăng cường truyền thông thông tin tới người dân, doanh nghiệp về tầm quan trọng, vai trò, vị trí của chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá tại địa phương. Hình thành nên các chuyên đề, chuyên mục sâu sắc hơn nữa về phát triển công nghiệp văn hoá và lan tỏa thông tin công nghiệp văn hoá tới người dân, để thay đổi nhận thức, tư duy và hành động của cộng đồng, xã hội.
Bảy là, cần tích cực và chủ động xây dựng thương hiệu tỉnh Nghệ An, gắn bó chặt chẽ với thương hiệu ngành CNVH của các địa phương trong tỉnh. Chiến lược xây dựng thương hiệu cần được nghiên cứu và hoạch định bài bài, có tầm nhìn trong ngắn hạn và dài hạn.
Tám là, cần chủ động tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm các cấp nhằm tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu và các tổ chức hữu quan để làm căn cứ hoạch định chính sách và xây dựng hướng phát triển ngành công nghiệp văn hoá nói chung và các sản phẩm văn hóa nói riêng theo đặc thù của địa phương. Hàng năm, có thể tổ chức diễn đàn“Hiến kế phát triển ngành công nghiệp văn hoá của Nghệ An” hay các diễn đàn tương tự nhằm phát huy sức mạnh, trí tuệ tập thể của các lực lượng cán bộ, đảng viên, nhân sĩ trí thức, nhất là các tầng lớp “Nghệ nhân” trên mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài.
Chín là, cần xây dựng và vận hành linh hoạt các tiểu ban phụ trách các mảng, lĩnh vực phát triển ngành CNVH, như tiểu ban phụ trách về: Du lịch văn hoá,nghệ thuật biểu diễn; truyền thông – quảng cáo; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; ẩm thực, … Đây là những tiểu ban giúp việc cho Sở Văn hoá và Thể thao trong việc tham mưu, tư vấn, hỗ trợ xây dựng và thúc đẩy việc phát triển các sản phẩm văn hoá tại các địa phương trong toàn tỉnh.
5. Kết luận
Phát triển ngành CNVH tại Nghệ An vừa mang tính cấp thiết, vừa mang tầm chiến lược, dài hạn, trong đó tiên quyết cần quán triệt chặt chẽ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, và sách lược của Chính phủ, cùng hướng dẫn, chỉ đạo của các Bộ, ban, ngành hữu quan. Để phát triển thành công, Nghệ An cần tự thân đổi mới nhận thức và không ngừng tư duy sáng tạo để tiếp cận và phát huy thế mạnh, khắc phục khó khăn, thách thức trong giai đoạn đầu. Các cấp, các ngành của Nghệ An cần chủ động và tích cực huy động mọi nguồn lực, động viên nhân dân và doanh nghiệp cùng đồng tâm, hợp lực xây dựng, phát triển các mảng, lĩnh vực thế mạnh, các sản phẩm văn hoá đặc trưng của địa phương.
Peter Drucker, cha đẻ của khoa học quản trị đã từng nói: “Thế kỷ 21, CNVH sẽ là thứ tối thượng quyết định thành bại của mỗi quốc gia”. Nhìn về tiềm năng và triển vọng của Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng, chắc chắn rằng, CNVH sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong tương lại và là đòn bẩy cho chúng ta hướng tới khát vọng giàu mạnh, hùng cường và phát triển bền vững. /.
TS. Nguyễn Minh Tuấn
Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội
Tài liệu trích dẫn
[1] Xem: Tuyển, P. D. (2017). Di sản thế giới tại ASEAN “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”, Nhà xuất bản Xây dựng.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr.55-57.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 145.
[4] Thủ tướng chính phủ, Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. > https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=186367&tagid=6&type=1
[5] Xem: Tổng thuật Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, > https://baochinhphu.vn/cap-nhat-thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-toan-quoc-ve-phat-trien-cac-nganh-cong-nghiep-van-hoa-viet-nam-102231222082337374.htm >
[6] Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thị Thắm, Hạ Thị Lan Phi (2016), Công nghiệp văn hóa ở Nhật Bản và Hàn Quốc, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 8(105), tr. 53.
[7] Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thị Thắm, Hạ Thị Lan Phi (2016), Công nghiệp văn hóa ở Nhật Bản và Hàn Quốc, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 8(105), tr.55
[8] Sungjae Choo (2007), Cultural Industrial Districts as a Tool of Boosting Regional Economy in Korea, Journal of the Economic Geographical Society of Korea, Vol.10, No.3, p. 332-343. > https://koreascience.kr/article/JAKO200721862772533.pdf >
[9] Xem: Jinsun Song (2011), Tradition and Commerce in Cultural Districts: A Case Study of Insadong In Seoul, Korea, https://uwspace.uwaterloo.ca/bitstream/handle/10012/5950/Song_Jinsun.pdf?sequence=1&isAllowed=y
[10] Xem: Tổng thuật: Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, < https://baochinhphu.vn/cap-nhat-thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-toan-quoc-ve-phat-trien-cac-nganh-cong-nghiep-van-hoa-viet-nam-102231222082337374.htm >
[11] Xem: Thành uỷ Hà Nội (2022), Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, < https://luatvietnam.vn/van-hoa/nghi-quyet-09-nq-tu-thanh-uy-ha-noi-217238-d2.html>
[12] Gia Thịnh (2023), Di sản văn hóa là tinh hoa của Đà Lạt, < https://tuoitre.vn/di-san-van-hoa-la-tinh-hoa-cua-da-lat-20231202085447079.htm>
Để lại một phản hồi