Một số phương pháp dạy học hiện đại trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0

Sự chuyên nghiệp của nghề báo là việc nói cho công chúng thứ họ cần biết, chứ không chỉ điều họ muốn biết"

- Walter Cronkite

Tóm tắt: Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang thay đổi quá trình sản xuất và lực lượng sản xuất trên phạm vi toàn cầu. Những yêu cầu cấp thiết về chất lượng nguồn nhân lực của kỷ nguyên số đòi hỏi nền giáo dục hiện đại phải có hướng tiếp cận mới mẻ và không ngừng đổi mới phương pháp dạy học. Xuất phát từ lý do trên, bài viết trình bày khái quát một số phương pháp dạy học hiện đại, và làm rõ các thành tố cơ bản, có mối quan hệ mật thiết trong hoạt động dạy học của xã hội công nghiệp 4.0.

Từ khóa: Cách mạng Công nghiệp 4.0, Phương pháp dạy học, giáo dục hiện đại,

1. Đặt vấn đề

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang lan toả, tác động sâu rộng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất đã làm thay đổi nhanh chóng lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Đặc biêt, con người hay cụ thể hơn là người lao động, với tư cách là chủ thể của lực lượng sản xuất,  đang đứng trước những thách thức của thời đại công nghệ số. CMCN 4.0 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp vào thị trường lao động, thay đổi nhu cầu, đòi hỏi cao về chất lượng, trình độ nguồn nhân lực. Trong xã hội hiện đại, con người không chỉ cạnh tranh việc làm với nhau, mà còn cạnh tranh với robot thông minh, với trí tuệ nhân tạo. Người lao động sẽ bị người máy thay thế, bị xã hội đào thải nếu không được trang bị những kiến thức, kĩ năng chuyên biệt, kèm theo khả năng thích nghi và tư duy sáng tạo liên tục. Từ đó đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với quá trình giáo dục: Cần đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực có năng lực, có tư duy đổi mới sáng tạo để thích ứng với môi trường Công nghiệp 4.0. Đó là lý do mà trong thời gian gần đây, trên các diễn đàn giáo dục hay tại các cơ sở đào tạo thường xuất hiện các chủ đề thảo luận về đổi mới tư duy dạy học hiện đại, đáp ứng nhu cầu xã hội đặt ra trước mắt và trong tương lai. Trong đó hướng trọng tâm là việc chuyển từ dạy học để gia tăng kiến thức sang để vận dụng, sáng tạo; đồng thời cần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại, thoát ly lối mòn truyền thống, tiếp cận với những phương thức khoa học mới mẻ và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội công nghiệp 4.0.   

2. Sự cần thiết đổi mới phương pháp dạy học hiện đại

Trước hết, đổi mới phương pháp dạy học là một yêu cầu thực tế khách quan. Xã hội loài người đã và đang trải qua 4 cuộc CMCN, mang đến những thay đổi bước ngoặt trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Cuộc CMCN lần thứ nhất diễn ra từ năm 1784, khởi đầu của thời kỳ cơ giới hoá, với động cơ chạy bằng thuỷ lực và hơi nước. Cuộc CMCN lần thứ hai diễn ra từ năm 1870 đến trước Thế chiến I, đánh dấu sự ra đời của động cơ điện, quy trình sản xuất hàng loạt trên dây chuyền lắp ráp cơ khí và tự động hoá cơ bản. Đây được xem là cuộc CMCN thay đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất và tác động mạnh mẽ đến lực lượng sản xuất của xã hội lúc bấy giờ. Cuộc CMCN lần thứ ba diễn ra từ năm 1969, mở ra kỷ nguyên của công nghệ thông tin, máy điện tử và tự động hoá. Sự ra đời của vật liệu siêu dẫn, máy tính cá nhân, Internet và các thiết bị kỹ thuật truyền dẫn đã góp phần làm thế giới từ “tròn” thành “phẳng”. Máy móc, công nghệ giúp giải phóng sức lao động của con người, lao động giản đơn tới phức tạp dần được thay thế bằng lao động trí óc, sử dụng kĩ thuật công nghệ cao. Cuộc CMCN lần thứ tư được bắt đầu từ thế kỷ XXI, với đặc trưng là các hệ thống công nghệ liên kết thế giới thực và ảo, với 3 xu hướng lớn là vật lý, kỹ thuật số và công nghệ sinh học.  

Dưới tác động của CMCN 4.0, toàn bộ quá trình sản xuất và lực lượng sản xuất đều thay đổi. Máy móc thông minh và trí tuệ nhân tạo dần thay thế con người, từ lao động chân tay đến lao động trí óc. Con người muốn tồn tại và phát triển khải được giáo dục, đào tạo theo phương pháp mới, tiếp cận với các kiến thức, kĩ năng hiện đại, có khả năng sử dụng tối đa các công nghệ mới. Con người phải liên tục học tập để thích ứng, thích nghi với sự thay đổi không ngừng của công nghệ, kỹ thuật hiện đại và dần hình thành thói quen học tập suốt đời. Trong xã hội CMCN 4.0, Internet kết nối vạn vật, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và những phát minh, sáng chế mới trong nhiều lĩnh vực là nền tảng then chốt tạo nên những cú hích cho sự tăng trưởng và phát triển. Trong giáo dục, hệ thống kiến thức, kĩ năng ở các lĩnh vực có tính liên ngành, xuyên ngành và có xu hướng giao thoa, đan xen, chuyển dịch giữa các ngành, nghề với nhau. Giáo dục càng ngày càng có tính cá thể hóa; xu hướng liên kết, hợp tác chặt chẽ trong giáo dục là tất yếu và ngày càng trở nên phổ biến. Những vấn đề trên đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết đối với đối với các cơ sở đào tạo, đối với người dạy và người học.

Theo các chuyên gia, các nước phương Tây như: Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Đức,… đã nắm bắt được cơ hội từ cuộc CMCN lần thứ 2 để tăng tốc phát triển thành nhóm các cường quốc toàn cầu. Các quốc gia như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… đã nắm bắt được cơ hội ở cuộc CMCN lần thứ 3 để vươn lên thành các nước công nghiệp phát triển. Cuộc CMCN 4.0 tạo ra nhiều cơ hội và thách thức. Việt Nam hoàn toàn có thể  nhận diện và nắm bắt được thời cơ để vươn lên thành “con rồng” của châu Á và thế giới trong thế kỷ XXI. Mấu chốt là phải có nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút được nhân tài phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước. Việt cần xây dựng chiến lược phát triển con người. Công việc to lớn đó cần bắt đầu từ việc thay đổi cách tiếp cận giáo dục theo hướng hiện đại, đổi mới phương pháp dạy học tân tiến.

Trong hơn 90 năm qua kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và kế thừa truyền thống văn hoá của dân tộc, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo, coi giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và đã ban hành, lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách về giáo dục, đào tạo. Trong đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã nêu rõ mục tiêu tổng quát là: “…Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”. Nghị quyết đã chỉ ra một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong giai đoạn hiện nay là: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học”. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục và đào tạo đất nước ta đã có nhiều bước phát triển, song vẫn còn nhiều việc cần tiếp tục thảo luận, đưa ra giải pháp hữu hiệu, để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ mới, giai đoạn mới. Trong giai đoạn 2018 – 2019, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 và Luật Giáo dục (sửa đổi, ban hành mới) năm 2019. Đây là hành lang pháp lý quan trọng nhằm giải quyết những vấn đề “nút thắt” cho các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Tại Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta tiếp tục xác định: “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước…”[[1]].

Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0, Đảng và Nhà nước tiếp tục chăm lo, có cơ chế đặc thù đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đặc biệt quan tâm đầu tư công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật hiện đại, ứng dụng các thành tựu khoa học tiên tiến vào quá trình dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hoạt động giáo dục, đào tạo nói chung và phương pháp giảng dạy nói riêng đã và đang được các cấp, các ngành chú trọng, đổi mới căn bản, ưu tiên tích hợp các mô hình giáo dục tiên tiến, áp dụng các phương tiện và cách thức dạy học hiện đại trên thế giới. Sự nghiệp đổi mới này cần tiếp tục được phát huy trong tình hình mới hiện nay.

3. Một số phương pháp dạy học hiện đại

– Phương pháp dạy học theo tiếp cận năng lực của người học

Khác với mô hình giáo dục truyền thống, thường dạy học theo hướng tiếp cận nội dung (chú trọng trang bị kiến thức cho người học), giáo dục hiện đại có sự đổi mới, với định hướng dạy học phát triển năng lực của người học (chú trọng tới mục tiêu năng lực thực hiện). Theo nhà nghiên cứu Broudy (1972), giáo dục theo tiếp cận năng lực (Competency – Based education) xuất hiện đầu tiên tại Hoa Kỳ trong giai đoạn 1950 – 1970, sau đó được phát triển ở Anh, Đức và quốc gia khác trong những năm 1980 – 1990. Tiếp cận năng lực trong giáo dục đã được nghiên cứu ở Việt Nam, nhưng phải đến những năm 2000 tới nay mới hình thành như một hướng nghiên cứu và ngày càng sôi động. Những nghiên cứu cơ bản đầu tiên bắt đầu được thực hiện ở Viện chiến lược và Phát triển chương trình giáo dục (nay là Viện khoa học giáo dục Việt Nam)[[2]].

Theo tác giả Nguyễn Thu Hà (2014), giáo dục theo tiếp cận năng lực nhằm hình thành và phát triển kiến thức, kĩ năng, thái độ của người học sau mỗi chương trình học, từ đó hướng tới việc đánh giá kiến thức trong việc vận dụng một cách có hệ thống[[3]].  PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, trong bài viết “Đổi mới nội dung và phương pháp dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông mới”[[4]] cho rằng: Dạy học theo tiếp cận phát triển năng lực của người học là phương pháp dạy học tích cực lấy “hoạt động học làm trung tâm” của quá trình dạy học. Trong đó, người dạy phải vận dụng các cách thức dạy học tích cực để tổ chức hoạt động học. Cách dạy học tích cực thường hướng tới việc “hoạt động hóa, tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học” (tức là tập trung phát huy tính tích cực của người học, mà không phải tập trung vào phát huy tính tích cực của người dạy). Theo phương pháp này, người dạy phải nỗ lực nhiều, chuẩn bị nhiều hơn so với dạy theo phương pháp truyền thụ kiến thức truyền thống.  

Trong cuốn “Tiêu chí đánh giá sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực”, PGS.TS. Nguyễn Thị Tố Mai (Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) đã chỉ rõ những điểm khác của dạy học tiếp cận phát triển năng lực với dạy học tiếp cận truyền thống (theo nội dung kiến thức). Theo đó, phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực chú trọng đến việc: i) Người dạy chủ yếu là người tổ chức, hỗ trợ người học chiếm lĩnh tri thức; chú trọng phát triển khả năng giải quyết vấn đề của người học; ii) Coi trọng cách tổ chức hoạt động, người học chủ động tham gia các hoạt động; coi trọng việc hướng dẫn người học tự tìm tòi; iii)Giáo án được thiết kế phân nhánh, có sự phân hóa theo trình độ và năng lực; iv) Người học có nhiều cơ hội được bày tỏ ý kiến, tham gia phản biện; v) Người dạy sử dụng nhiều phương tiện dạy học tích cực (giải quyết vấn đề, tự phát hiện, trải nghiệm…). Về nội dung dạy học theo định hướng phát triển năng lực, ưu tiên các tiêu chí sau: 1)Nội dung được lựa chọn nhằm đạt được kết quả chuẩn đầu ra đã quy định; 2) Chú trọng các kỹ năng thực hành, vận dụng lý thuyết vào thực tiễn. Sách giáo khoa không trình bày thành hệ thống mà phân nhánh và xen kẽ kiến thức với hoạt động; 3) Nội dung chương trình không quá chi tiết, có tính mở nên tạo điều kiện để người dạy dễ cập nhật tri thức mới. Về sản phẩm giáo dục, dạy học theo định hướng phát triển năng lực tạo ra những con người năng động, tự tin; trang bị tri thức cho người học có khả năng áp dụng vào thực tiễn; đồng thời phát huy sự tìm tòi nên người học không phụ thuộc vào Giáo trình, tài liệu hay sách giáo khoa.

Lớp học tích cực và chất lượng trong học phần “Truyền thông và Quan hệ quốc tế” tại Học viện Ngoại giao.

Phương pháp “dạy ít, học nhiều”

Đây là một phương pháp giáo dục tiên tiến lần đầu được đề xướng ở Singapore, với tên gọi “Teach Less, Learn More” (Dạy ít đi, học nhiều hơn). Bối cảnh vào năm 2004, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã kêu gọi thực hiện giảm tải chương trình học tập, để tăng tính sáng tạo cho người học. Bộ Giáo dục nước này sau đó đã đưa ra chủ trương này và đã được gói gọn trong một khẩu hiệu dễ nhớ: “Dạy ít – học nhiều”[[5]]. Mục tiêu của phương pháp “dạy ít – học nhiều” là nhằm giúp giáo viên dạy tốt hơn bằng cách thu hút học sinh vào các hoạt động thực tế và chuẩn bị hành trang bước vào cuộc sống và công việc tương lai, thay vì chỉ dạy kiến thức thông qua các bài kiểm tra và kỳ thi. Theo đó, chú trọng chất hơn lượng, giảm nhồi nhét kiến thức để người học được sáng tạo, dành những khoảng không trong khung chương trình để nhà trường có thể đưa chương trình riêng biệt mang tính thực tế vào hoạt động dạy học. Từ đó, nội dung và phương pháp dạy học đã thay đổi đáng kể. Thay vì học thuộc lòng, người học được khuyến khích tham gia các dự án nhỏ (như thiết kế trò chơi, học theo nhóm…), để áp dụng kiến thức học được, rèn luyện tính độc lập, cải thiện kỹ năng giao tiếp và tăng khả năng hợp tác trong công việc. Điều này cũng có nghĩa là học sinh sẽ dành ít thời gian học trên lớp và có nhiều thời gian hơn để khám phá các lĩnh vực học tập quan tâm. Một thay đổi khác trong chương trình giảng dạy là các trường dành thời gian biểu, được gọi là “khoảng trắng” (white space) để người dạy tham gia xây dựng, đánh giá về kế hoạch dạy học. Các trường có thể sử dụng “khoảng trắng” này để điều chỉnh và phát triển nội dung, tài liệu giảng dạy, đồng thời sử dụng các phương pháp sư phạm hiệu quả và phù hợp nhất với người học[[6]].

Theo nhà nghiên cứu Spencer Kagan, “giáo viên được xem là trái tim của phương pháp “Dạy ít, học nhiều”[[7]]. Trong phương pháp này, cụm từ “dạy ít” không có nghĩa là người dạy làm ít hơn (mà ý là lên lớp giảng/nói ít hơn). Bản chất của “dạy ít” là việc các nhà giáo dục cần chuẩn bị nhiều hơn cho bài giảng, dạy tốt hơn kiến thức và kĩ năng thực tế (không phải để làm bài kiểm tra và kỳ thi), thu hút người học hơn và trang bị nhiều hơn cho họ trước khi bước vào đời. Đây là lý do tại sao phương pháp “Dạy ít, học nhiều” thực sự hiệu quả trong việc đảm bảo chất lượng đầu ra trong giáo dục.

Phương pháp giáo dục “Dạy ít – học nhiều” hướng sự chú ý vào 3 vấn đề quan trọng của hoạt động dạy của giáo viên. Đó là: Lý do tại sao chúng ta dạy học? Chúng ta dạy cái gì? Và chúng ta dạy như thế nào?. Về vấn đề đầu tiên – xác định lý do dạy, hoạt động dạy cần xuất phát từ: i) Nhu cầu, nguyện vọng, sở thích của người học (mà không phải xuất phát từ việc người dạy có kiến thức và trình bày theo nội dung kiến thức mình có); ii) Cần xuất phát từ việc khơi dậy đam mê, lòng ham muốn học tập của người học; iii) Người dạy không chỉ cung cấp thông tin kiến thức cơ bản, mà cần hướng dẫn người học đạt được những hiểu biết về các khái niệm và vận dụng, thực hiện các ý tưởng vào thực tiễn cuộc sống. Và người dạy cần giúp người học chuẩn bị nhiều hơn về kiến thức, kĩ năng, thái độ trước thử thách phía trước cuộc đời. Về vấn đề thứ hai – nội dung dạy, hoạt động dạy cần: i) Tập trung “nhiều hơn” vào việc bồi dưỡng trẻ một cách toàn diện, trên các lĩnh vực khác nhau (và “ít hơn” vào việc dạy các môn học); ii) Cần dạy cho người học những giá trị, cách tư duy và thái độ sẽ giúp ích cho cuộc sống (chứ không chỉ dạy cách đạt điểm cao trong các kỳ thi); iii) Cần tập trung “nhiều hơn” vào tổng thể quá trình học tập (và “ít hơn” vào từng giai đoạn, từng sản phẩm), để xây dựng sự tự tin và năng lực ở người học; iv) Cần khuyến khích người học đặt “nhiều hơn” các câu hỏi mang tính tìm tòi, kích thích trí tò mò và tư duy phản biện (và “ít hơn” các câu trả lời đã định sẵn, đã đóng khung). Về vấn đề thứ ba – cách dạy, cần khuyến khích người học chủ động và tích cực học tập “nhiều hơn”, và ít dựa vào học thuộc lòng, học chay, “học gạo”. Đồng thời, cần hướng dẫn, tạo điều kiện và làm mẫu nhiều hơn, để thúc đẩy học sinh làm chủ việc học, và bớt nói và nói với giáo viên. Người dạy nên đánh giá học sinh của mình một cách định tính nhiều hơn (ít đánh giá định lượng bằng các bài kiểm tra, bài thi), thông qua nhiều phương tiện xác thực hơn, trong một khoảng thời gian nhất định để hỗ trợ quá trình học tập và phát triển của người học. Trong quá trình dạy, cần khuyến khích “nhiều hơn” tinh thần đổi mới và sáng tạo của người học, khơi dậy trí tò mò, niềm đam mê tìm hiểu, lòng can đảm theo đuổi và thử nghiệm những điều chưa được thử nghiệm (và “ít hơn” việc chạy theo những công thức và câu trả lời theo quy chuẩn của sách giáo khoa). Theo đánh giá của các chuyên gia, phương pháp “Dạy ít, học nhiều” là một cách tiếp cận dạy học hiện đại, mới mẻ và mang tầm nhìn cho chiến lược giáo dục Thế kỷ XXI.

Ngoài các phương pháp nêu trên, một số quốc gia có nền giáo dục phát triển trên thế giới đã và đang sử dụng các phương pháp dạy học hiện đại khác nhau. Tại Phần Lan, phương pháp dạy học theo hiện tượng (Phenomenon-based Teaching) được áp dụng phổ biến, trong cuộc cách mạng hóa chương trình giảng dạy của quốc gia Bắc Âu này vào năm 2016. Theo các chuyên gia, bản chất của phương pháp này là một dạng phát triển xa hơn của triết lý giáo dục hướng vào giải quyết vấn đề. Dạy học theo hiện tượng là phương pháp để hiểu một hiện tượng, một sự kiện có thể quan sát được, bằng cách sử dụng các phương pháp và quan điểm khác nhau. Phương pháp này giúp người học có cái nhìn bao quát, đa diện về các sự vật, hiện tượng và vấn đề xảy ra trên thế giới.

Tại Mỹ, phương pháp dạy học theo dự án (Project-based teaching) được sử dụng rộng rãi tại các cơ sở giáo dục đào tạo. Cơ sở nền tảng quan trọng cho phương pháp này bắt đầu từ đầu thế kỉ XX, khi các nhà sư phạm Mỹ xây dựng hệ thống lý luận cho phương pháp dự án (Project method) với 3 định hướng chủ yếu:1) Định hướng vào người học; 2)Định hướng vào thực tiễn; 3) Định hướng vào sản phẩm. Dạy học theo dự án “là một hình thức dạy học hay phương pháp dạy học phức hợp, trong đó dưới sự hướng dẫn của giáo viên, người học tiếp thu kiến thức và hình thành kỹ năng thông qua việc giải quyết một bài tập tình huống (dự án) có thật trong đời sống, theo sát chương trình học, có sự kết hợp giữa lý thuyết với thực hành và tạo ra các sản phẩm cụ thể”[[8]]. Trong phương pháp dạy học theo dự án, người học đóng vai trò trung tâm, và chuyển hoạt động dạy học từ “giáo viên nói” thành “học viên làm”. Người học trở thành người giải quyết vấn đề, ra quyết định, chứ không phải là người nghe thụ động. Hoạt động dạy học diễn ra phong phú, đa dạng, thông qua các hoạt động thực tiễn của một dự án cụ thể về các lĩnh vực khác nhau, như: Giáo dục, văn hoá, xã hội, kinh tế,…. Trong quá trình thực hiện dự án, có sự kết hợp theo nhóm và cá nhân, và thường chú trọng nhiều đến các sản phẩm (vật chất hoặc phi vật chất) được tạo ra. Sản phẩm không chỉ thuần túy có giá trị về lý thuyết, mà đa phần là tạo ra sản phẩm vật chất mang tính xã hội.

Ngoài ra, tại Việt Nam hiện nay có du nhập một số phương pháp dạy học phổ biến khác như: Phương pháp Montessoriphương pháp STEM trong giáo dục cơ bản, hay phương pháp TESOL trong dạy học tiếng Anh. Ưu điểm của các phương pháp này là phù hợp với yêu cầu của giáo dục hiện đại, trong quá trình dạy học có cách tiếp cận liên ngành, áp dụng các kiến thức, kỹ năng trong các lĩnh vực thực tiễn; lấy người học làm trung tâm; người dạy có phương pháp và kỹ năng sư phạm chuyên nghiệp; kết quả của quá trình dạy học đáp ứng được mục tiêu chuẩn đầu ra và nhu cầu của xã hội.

4. Các thành tố cơ bản trong phương pháp dạy học hiện đại

Theo nhà nghiên cứu Peter Fisk, giáo dục trong bối cảnh CMCN 4.0 mang những đặc trưng cơ bản sau: i) Đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nơi mà con người và máy móc kết hợp với nhau để tạo ra những khả năng mới; ii) Khai thác tiềm năng của các công nghệ kỹ thuật số, dữ liệu cá nhân, nội dung nguồn mở, và thế giới được kết nối toàn cầu và tràn đầy công nghệ: iii) Thiết lập một kế hoạch cho tương lai của học tập – học tập suốt đời – từ học thơ ấu, học liên tục tại nơi làm việc, đến việc học tập để có một vai trò tốt hơn trong xã hội.”

Giáo dục trong kỷ nguyên CMCN 4.0 tích hợp nhiều thành tố (như người học, người dạy, nội dung và hình thức dạy học, phương tiện kĩ thuật dạy học) có mối quan hệ mật thiết, tương hỗ, bổ trợ quan trọng cho nhau. Trong đó,người học là trung tâm của hoạt động dạy học, là người chủ động, tích cực và có trách nhiệm tham gia vào hoạt động dạy học, nhằm đạt được các mục tiêu đề ra. Người học tự quyết định cách tiếp cận vấn đề và độc lập đưa ra hướng giải quyết vấn đề, liên hệ và áp dụng vào thực tiễn. Người học cần có khả năng phân tích, tổng hợp và không ngừng đổi mới tư duy sáng tạo, để hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể có ý nghĩa nhất định đối với bản thân và xã hội. Đặc biệt, người học cần nỗ lực rèn luyện hình thành thói quen ham học hỏi, ham hiểu biết, xây dựng tinh thần tự học, tự nghiên cứu, và hơn hết là có tinh thần học tập suốt đời.

Đối với người dạy, trong quá trình dạy học, cần đóng vai trò là người định hướng, tổ chức, tư vấn, giám sát, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho người học thực hiện các nhiệm vụ/dự án/sản phẩm, và thông qua đó phát triển các năng lực của bản thân. Người dạy không phải là người truyền thụ kiến thức đơn thuần, mà là người truyền cảm hứng, là huấn luyện viên, người cố vấn cho người học trên con đường vươn tới bầu trời tri thức. Để làm tốt điều đó, người dạy phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, hiểu biết xã hội, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ sư phạm chuyên nghiệp, phù hợp với nền giao dục hiện đại. Người dạy cần chuẩn bị nội dung bài giảng và xây dựng kịch bản giảng bài đa dạng, chuyên biệt và thu hút người học, trong đó cần nghiên cứu và sử dụng thành thạo các kỹ thuật giảng dạy hiện đại và hiệu quả như: Thuyết trình, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, nhập vai, trò chơi hoá, nghiên cứu tình huống,… . Ngoài ra, người dạy phải không ngừng thúc đẩy quá trình tự học, tự giáo dục bản thân và và đổi mới phương pháp giảng dạy tiên tiến; tích cực xây dựng, làm giàu “túi tri thức” và “kho dữ liệu thông tin” của mình. Trên hết, người dạy cần hun đúc tinh thần say mê với công tác giảng dạy, cháy hết mình vì sự nghiệp giáo dục đào tạo và dành nhiều tâm huyết vì sự tiến bộ của người học.

Về phương tiện giảng dạy trong môi trường giáo dục hiện đại, ngoài các công cụ hỗ trợ cơ bản như: Sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, các phương tiện trình chiếu, máy tính, Internet, … cả người dạy và người học cần được tạo điều kiện sử dụng tối đa các phương tiện công nghệ thông tin đa phương tiện (hình ảnh, video, audio, infographics, …), đa nền tảng (trang web, mạng xã hội, ứng dụng di động) khi trình bày, giải quyết vấn đề, khi sản xuất sản phẩm, thực hiện dự án. Trong quá trình dạy học, từ khâu thiết kế, trình bày bài giảng hay phân tích, thuyết trình sản phẩm đến hoạt động tổ chức đánh giá và nghiệm thu sản phẩm cần tích cực, linh hoạt sử dụng các công cụ hỗ trợ, phần mềm chuyên dụng (như Google, Chat GPT, Adobe, Zoom,…), nhằm tạo ra các điều kiện thuận lợi như: Thu hút sự chú ý của người học; tăng khả năng tương tác giữa người dạy và người học; phù hợp với nhiều phong cách học tập; thuận lợi cho khả năng trao đổi, hợp tác, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm,…

5. Kết luận

Trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, các phương pháp dạy học hiện đại đã phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng, về nội dung lẫn hình thức. Các phương pháp này vừa tích hợp các ưu điểm của dạy học truyền thống, phát huy tính tích cực của các phương pháp giảng dạy tiên tiến, đồng thời vận dụng linh hoạt, sáng tạo các ứng dụng công nghệ thông tin, các công cụ hỗ trợ chuyên dụng vào hoạt động dạy học, từ đó đạt được hiệu quả, chất lượng phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực của xã hội công nghiệp 4.0. Các cơ sở giáo dục và đội ngũ giảng dạy trong nước cần nhanh chóng nắm bắt và vận dụng một cách sáng tạo các phương pháp giảng dạy hiện đại này, để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo tại cơ sở. Trong quá trình dạy học cần lấy người học làm trung tâm, hoạt động học là chủ đạo, người dạy là người truyền cảm hứng, là huấn luyện viên, cố vấn cho người học. Đồng thời, cần thấm nhuần lời răn dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”; và mãi khắc ghi lời căn dặn của Người: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Tác giả: TS.Nguyễn Minh Tuấn

Khoa Văn thư lưu trữ và Báo chí, Trường Đại học VHNTQĐ

(Bài viết này đã đăng trên Tạp chí VHNT Quân đội năm 2024)


Tài liệu trích dẫn:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2021, Tập I, tr.136.

[2] Nguyễn Hữu Hợp (2022), Mô hình dạy học theo tiếp cận năng lực trong đào tạo giáo viên kĩ thuật, Luận án tiến sĩ Lý luận và lịch sử giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr.18.

[3] Nguyễn Thu Hà (2014). Giảng dạy theo năng lực và đánh giá theo năng lực trong giáo dục: Một số vấn đề lí luận cơ bản. Tạp chí Khoa học Giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội, Tập 30, Số 2, tr. 56-64.

[4] Nguyễn Xuân Thành (2020), Đổi mới nội dung và phương pháp dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Kỷ yếu hội thảo “Đổi mới giáo dục và đào tạo vì mục tiêu phát triển bền vững”, <https://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/102052/1/KY-498.pdf>, xem 12/3/2023.

[5] Giáp Văn Dương (2011), “Dạy ít – Học nhiều” và “Thực học – Thực nghiệp”, <https://cuoituan.tuoitre.vn/day-it-hoc-nhieu-va-thuc-hoc-thuc-nghiep-461638.htm > xem 12/3/2023.

[6] Tan, Kelvin & Tan, Charlene & Chua, Jude. (2008). Innovation in Education: The ‘Teach Less, Learn More’ Initiative in Singapore Schools.

[7] Kagan, S (2006), Teach Less, Learn More. San Clemente, CA: Kagan Publishing. Kagan Online Magazine.

[8] Trịnh Văn Biều, Phan Đồng Châu Thủy, Trịnh Lê Hồng Phương (2011), Dạy học dự án – từ lí luận đến thực tiễn, Tạp chí Khoa học ĐHSP TPHCM, số 28, tr.3-4.

"New media and mobile entertainment are revolutionizing the way people learn about the world"

Stephen Kinzer

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*