
Trước âm mưu thâm độc, nguy hiểm của chủ nghĩa đế quốc văn hoá, chúng ta cần tỉnh táo, vừa kiên quyết kiên trì đấu tranh, phòng ngừa, vừa xây dựng cơ chế chính sách phát triển văn hoá, đời sống tinh thần cho nhân dân, nhất là chú trọng phát triển công nghiệp văn hoá vươn tầm quốc tế.
Vừa “đấu tranh”, vừa “phòng ngừa”
Cho đến nay, âm mưu “diễn biến hòa bình”, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên mặt trận văn hoá, nhằm thay đổi hệ giá trị văn hóa Việt Nam bằng “hệ giá trị văn hóa tư sản” đã từng bước bị lật tẩy và đánh bại. Nền văn hóa truyền thống, cách mạng Việt Nam vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy các giá trị tinh hoa trong quá trình đổi mới và hội nhập. Với các chủ trương, đường lối kịp thời của Đảng và Nhà nước, đời sống văn hóa tư tưởng của đất nước ta đã và đang duy trì ổn định, phát triển bền vững; các giá trị văn hoá then chốt, như tình yêu quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc và những nét đẹp truyền thống khác vẫn được giữ vững, phát huy.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Bảo vệ giá trị văn hóa cũng là cách bảo vệ nền tảng tư tưởng, tinh thần cho xã hội, giúp giữ gìn chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên mặt trận văn hoá tinh thần.
Hiện nay, để đấu tranh phòng, chống “chủ nghĩa đế quốc văn hoá”, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch, trước hết, chúng ta cần thấm nhuần quan điểm của Đảng về chống “diễn biến hòa bình”, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, trên tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật”. Về biện pháp cần kết hợp giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Công cuộc đấu tranh này cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, trong đó mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiên phong đi đầu, qua hoạt động thực tiễn của bản thân trong công tác và cuộc sống hằng ngày, góp phần làm thất bại âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ, chống phá thành quả cách mạng.
Về biện pháp tổng thể, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam. Trong đó có: Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư ngày 17/4/2009 về tăng cường cuộc đấu tranh chống diễn biến âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng; Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Ban Bí thư về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh; và Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới,…
Đồng thời cần ra sức hiện thực hoá nội dung trong phương hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”[1]. Đặc biệt, cần “tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người … Việt Nam trong thời kỳ mới”[2].
Theo đó, các cơ quan đoàn thể từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Tích cực khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết cộng đồng, ý chí tự cường, tự hào dân tộc trong mỗi cá nhân, đơn vị; Tăng cường công tác gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử văn hoá; Bảo tồn, phát huy và lan toả các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc ra thế giới; Phát triển đi đôi với giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, khắc phục tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài. Đồng thời, tích cực bồi dưỡng, chăm lo giáo dục văn hoá, đời sống tinh thần cho thế hệ trẻ.
Chúng ta cần chủ động, tích cực nhận diện, đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch trên mặt trận văn hoá tư tưởng. Một mặt, cần sử dụng báo chí cách mạng làm lực lượng tiên phong phản bác, đấu tranh trước sự “xâm lăng văn hoá phương Tây”; chủ động tiến công vào các luồng thông tin xấu độc về giá trị văn hoá truyền thống và văn hóa cách mạng Việt Nam của thế lực thù địch trên không gian mạng. Mặt khác, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường giám sát, phản biện xã hội, tranh thủ sự đồng tình của dư luận nhằm đả kích thói “sùng ngoại”, “tây hoá”, “lai căng”, “dị hợm” của một bộ phận giới trẻ. Công tác đấu tranh này đòi hỏi chúng ta cần kiên quyết, kiên trì, trên tinh thần chủ động, sáng tạo và linh hoạt thực hiện.
Phát triển công nghiệp văn hoá và phát huy, lan tỏa hệ giá trị văn hoá Việt Nam
Thế giới đang phát triển theo hướng toàn cầu hoá, các quốc gia trong khu vực đang không ngừng hội nhập, đa phương hoá quan hệ quốc tế. Trong xu thế chung đó, Việt Nam đang từng bước xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc các tinh hoa văn hoá nhân loại. Chúng ta cần tạo ra hệ thống “miễn dịch” đủ mạnh để đề kháng trước âm mưu thâm độc của chủ nghĩa đế quốc văn hoá và thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.
Bên cạnh các giải pháp “xây” và “chống” mang tính cấp bách, chúng ta cần định hình và phát triển hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá Việt Nam cho nhân dân cả nước và lan tỏa ra bên ngoài. Đồng thời, cần “làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào đời sống và hoạt động xã hội, vào cuộc sống mỗi người dân, từng gia đình, dòng họ, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người. Làm cho văn hoá xã hội chủ nghĩa sinh sôi, nảy nở, đơm hoa kết trái, đem lại quả ngọt, hương thơm, dâng hiến cho đời”[3].
Để hiện thực hoá điều này, Việt Nam cần nhanh chóng đẩy nhanh phát triển ngành công nghiệp văn hoá, biến sản phẩm văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc thành sản phẩm đặc sắc phục vụ cho du lịch, thương mại và dịch vụ, mang lại nguồn lực cho công cuộc phát triển đất nước. Và để văn hoá thực sự “trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước”, theo đúng tinh thần định hướng của Đại hội XIII của Đảng.
Hiện nay, công nghiệp văn hoá được xem là lĩnh vực công nghiệp đặc trưng của thế kỷ XXI, là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Phát triển công nghiệp văn hoá đã trở thành xu thế quan trọng trong chính sách văn hoá của nhiều quốc gia, nhằm bảo vệ các giá trị văn hóa trong nước, chống lại sự “xâm lăng” của văn hóa “ngoại lại”, đồng thời là vũ khí gia tăng “sức mạnh mềm” quốc gia. Ngày nay, ở nhiều quốc gia ở châu Á (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan), công nghiệp văn hoá đã và đang tạo ra các giá trị về kinh tế, chính trị, xã hội, nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia và góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Trường hợp Hàn Quốc là một điển hình cho việc phát triển công nghiệp văn hoá. Mục tiêu ban đầu của Hàn Quốc là khôi phục và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhờ vào tư duy sáng tạo và đưa các sản phẩm văn hoá tiếp cận thị trường, Hàn Quốc dần thúc đẩy và biến văn hoá này thành ngành công nghiệp quan trọng, đóng góp to lớn cho ngân sách quốc gia, tăng cường “sức mạnh mềm” và lan toả văn hoá Hàn Quốc ra khu vực và toàn cầu.
Về phát triển công nghiệp văn hoá, những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương, đường lối, chính sách hiệu quả. Đại hội XIII tiếp tục chỉ rõ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hoá và dịch vụ văn hoá trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hoá, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”[4]. Năm 2023, Chính phủ lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, và đã xác định phương châm “Sáng tạo – Bản sắc – Độc đáo – Chuyên nghiệp – Cạnh tranh” cho ngành công nghiệp văn hóa nước ta trong giai đoạn tới.
Phát triển công nghiệp văn hóa và phát huy, lan tỏa hệ giá trị văn hoá Việt Nam là yêu cầu cấp thiết của thời đại, là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là mệnh lệnh trái tim của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam hiện nay. Đó là giải pháp cấp thiết cho cách mạng Việt Nam, nhằm chống lại âm mưu, dã tâm thâm độc của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch trên mặt trận văn hóa tinh thần. Đó cũng là giải pháp cấp thiết cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”, “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Tác giả: TS. Nguyễn Minh Tuấn
Trường Đại học VHNTQĐ
(Tác phẩm đạt giải C cuộc thi viết chính luận Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024, cấp TCCT)
Tài liệu trích dẫn:
[1] Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, Tập 1, tr.115-116
[2] Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, Tập 1, tr.143
[3] Nguyễn Bá Dương (2017), “Bình cũ, rượu mới” của chiến lược “diễn biến hoà bình” chống phá Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.206-207.
[4]Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, Tập 1, tr. 145.
Để lại một phản hồi