
Tóm tắt: Bài viết trình bày các yếu tố tác động đến giáo dục đại học của Xã hội 5.0, từ đó phác thảo một số đặc trưng cơ bản của Giáo dục đại học 5.0. Xuất phát từ những thách thức, yêu cầu đặt ra đối với người dạy và người học trong hệ thống giáo dục tương lai, bài viết luận bàn một số phương pháp tiếp cận dạy học mới, cũng như đề xuất, gợi mở cho Việt Nam trong quá trình xây dựng mô hình giáo dục mới, phù hợp với xu thế phát triển của nền Giáo dục đại học 5.0.
Từ khoá: Xã hội 5.0, Giáo dục đại học 5.0, Phương pháp dạy học,
1. Mở đầu
Chúng ta đang sống trong Xã hội 4.0 – Xã hội Thông tin (Information Society) của nền Công nghiệp 4.0, với nền sản xuất thông minh, với sự phát triển không ngừng của công nghệ Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (big data), Người máy (Robot), v.v. Tất cả được ứng dụng vào trong sản xuất và đời sống thực tế, tạo ra nhiều lợi nhuận, nhiều giá trị tích cực, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển của văn minh nhân loại. Theo quy luật vận động chung và xu hướng tiến lên của xã hội, chúng ta sẽ bước vào một kỷ nguyên mới của một mô hình xã hội mới: Xã hội 5.0 – “siêu thông minh”, “siêu hiệu quả”, với cột mốc dự báo là năm 2035 hoặc sớm hơn[1]. Khái niệm Xã hội 5.0 được đưa ra lần đầu tiên trong “Kế hoạch cơ bản về khoa học và công nghệ lần thứ V cho giai đoạn 2016-2021”của Chính phủ Nhật Bản (công bố ngày 22/01/2016)[2]. Theo đó, Xã hội 5.0 “lấy con người làm trung tâm, lấy nhu cầu xã hội, nhu cầu con người để đáp ứng và thỏa mãn những nhu cầu ấy”; và “giải quyết các vấn đề xã hội thông qua hệ thống tích hợp cao giữa không gian mạng (cyberspace) và không gian vật lý (physical space)”[3]. Các nền tảng như như IoT, AI, Big data, Robot thông minh,… sẽ đóng vai trò quan trọng trong xã hội tương lai.
Cũng có quan niệm cho rằng, Xã hội 5.0 là “Xã hội số” (Digital society). Đó là xã hội trong đó con người được giải phóng tối đa khỏi thói quen lao động chân tay, và được tối đa hoá các khả năng, cơ hội để tự nhận thức, tự thực hiện và thể hiện bản thân. Theo đó, phương châm của xã hội 5.0 là “hạnh phúc cho mọi người”[4].
Xã hội 5.0 sẽ định hình, thiết lập những yêu cầu cơ bản của nền Giáo dục 5.0, nhất là đối với giáo dục đại học. Bởi chính sản phẩm của nền Giáo dục đại học 5.0, về cơ bản, sẽ trực tiếp tham gia tổ chức quản lý, vận hành, điều phối xã hội đó. Sự thay đổi về mối quan hệ sản xuất và những thay đổi mau lẹ về khoa học kỹ thuật, công nghệ trong xã hội mới, đòi hỏi nền Giáo dục 5.0 nói chung và Giáo dục đại học 5.0 nói riêng phải không ngừng vận động thay đổi, thích ứng. Đặc biệt, Giáo dục đại học 5.0 cần chủ động đón đầu xu thế, bắt nhịp thời đại, với tư duy “đi trước một bước” để tạo ra lực lượng sản xuất có chất lượng tương đương hoặc cao hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội tương lai.
2. Phác thảo một số đặc trưng của Giáo dục đại học 5.0
Về tiến trình phát triển của nền Giáo dục đại học hiện nay và xu hướng trong 10-15 năm nữa, chúng ta có thể đưa ra một số vấn đề thách thức và tác động cơ bản. Đó là: i) Các vấn đề an ninh phi truyền thống, như tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường, dân số già, tỷ lệ sinh giảm,…thúc đẩy con người tìm kiếm các giải pháp, sáng kiến cho xã hội tương lai. Từ đó, đặt ra có hệ thống giáo dục, đào tạo cần xác định lại các mục tiêu, tầm nhìn, sứ mệnh và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, đáp ứng yêu cầu của xã hội mới; ii) Trong Xã hội số, các yêu cầu đối với lực lượng lao động trong xã hội đó ngày càng cao; nguồn nhân lực phải có khả năng chuyên biệt, năng lực toàn diện để làm việc, vận hành hiệu quả hệ thống máy móc hiện đại, với lực lượng người máy thông minh và các ứng dụng công nghệ AI chuyên biệt; iii) Xã hội sẽ bước vào kỷ nguyên công nghệ mới, với nhiều sáng kiến, phát minh về khoa học công nghệ phục vụ cho đời sống xã hội. Đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của AI, đẩy mạnh quá trình tham gia sâu rộng của trí tuệ nhân tạo và người máy thông minh trong mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục đào tạo. Điều này đòi hỏi các thành tố tham gia quá trình dạy học trong tương lai (như người học và người dạy) phải làm chủ công nghệ và sử dụng hiệu quả công nghệ trong quá trình dạy học; iv) Người máy AI sẽ tham gia vào quá trình dạy học cơ bản, dạy lập trình, dạy phân tích dữ liệu và dạy nhiều kỹ năng khác. Từ đó sẽ tạo ra thế cạnh tranh, thậm chí có thể thay thế người dạy ở một số lĩnh vực nhất định; và còn những thách thức khác nữa.
Từ những vấn đề nêu trên, cũng như xuất phát từ đặc điểm và xu thế phát triển của Xã hội 5.0, và các đòi hỏi, yêu cầu của nền giáo dục hiện đại trong giai đoạn tiếp theo, có thể phác thảo ra một số đặc trưng cơ bản của nền Giáo dục đại học 5.0.
Một là, Giáo dục đại học 5.0 là nền giáo dục “siêu thông minh”, “siêu hiệu quả”. Việc tích hợp các ứng dụng, nền tảng công nghệ vào trong quá trình dạy học sẽ trở thành hệ thống, chuyên biệt. Điều này giúp cho các hoạt động dạy học trở nên linh hoạt, “thông minh” ở mức độ cao và tối ưu hóa tính hiệu quả. Tính “thông minh” thể hiện ở nội dung và hình thức dạy học, tính hiệu quả thể hiện ở kết quả chuẩn đầu ra (tức là các phẩm chất, năng lực của người học) và chất lượng sản phẩm mà người học tạo ra (như các phát minh, sáng chế, sản phẩm, dự án phục vụ xã hội).
Hai là, Giáo dục đại học 5.0 không bị bó hẹp, hạn chế về không gian, thời gian; hay có thể gọi là Giáo dục đại học “không biên giới”. Người học có thể tham gia hoạt động học tập ở mọi thời điểm thuận lợi, ở mọi địa điểm (ở nhà, ở trường, nơi làm việc). Miễn là hoạt động học này diễn ra theo kế hoạch và lộ trình cụ thể, được thiết kế riêng cho người học và được người học xác nhận. Ngoài ra, khi mô hình “Đại học số” được áp dụng phổ biến trong thực tiễn giáo dục đại học trong tương lai gần, sẽ giúp thúc đẩy nhanh quá trình giáo dục đại học “không biên giới”, không giới hạn về khoảng cách và thời gian. Mô hình “Đại học số” có thể không cần cơ sở, địa điểm trên thực địa, mà có thể tổ chức dạy học trên không gian mạng. Một số mô hình thành công về khóa học trực tuyến, chuyên ngành đào tạo từ xa của các trường đại học hàng đầu ở Tây Âu và Bắc Mỹ trong những năm vừa qua là điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy quá trình dạy học trên không gian mạng này một cách phổ biến trong tương lai gần.
Ba là, Giáo dục đại học 5.0 sử dụng phổ biến các ứng dụng công nghệ như AI, Robot, Big data, công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), … làm công cụ, phương tiện phục vụ cho hoạt động dạy học. Các nền tảng công nghệ mới nêu trên qua thời gian phát triển, nâng cấp sẽ đạt đến cấp độ nhất định, tham gia thường xuyên và tích cực vào hoạt động dạy học. Trong đó, các nền tảng AI sẽ là nền tảng quan trọng nhất trong việc cung cấp kiến thức, kỹ năng và các năng lực khác (như tư duy phân tích hệ thống, tư duy sáng tạo, kỹ năng thiết kế, điều khiển) phục vụ các công việc chuyên biệt, trình độ cao trong tương lai. Ngoài ra, người máy AI, với tư cách là trợ giảng cũng sẽ tham gia vào quá trình dạy học, giúp quá trình dạy học đạt chất lượng chuyên môn cao và gia tăng các khả năng, tư duy mới cho người học.
Bốn là, Giáo dục đại học 5.0 là nền giáo dục lấy người học làm trung tâm, theo hướng chuyên biệt hoá cá nhân người học; còn người dạy là người cố vấn, định hướng, giám sát quá trình lĩnh hội tri thức, phát triển năng lực của người học. Theo đó, các biểu hiện là việc người học được lựa chọn những lĩnh vực, chuyên ngành chuyên biệt, được thiết kế riêng cho từng người học hay nhóm cá biệt. Chương trình học có tính linh hoạt, tích hợp để phù hợp với khả năng, trình độ, thời gian của người học. Để đạt được sự chuyên biệt hoá cá nhân người học, người dạy phải tư duy, đổi mới cách giảng dạy, cách làm việc, cách tương tác với người học. Yếu tố “dạy” sẽ giảm ở phía người dạy, thay vào đó người máy AI sẽ hỗ trợ việc truyền đạt thông tin, tri thức tới người học; đồng thời bản thân người học sẽ chủ động tự học, tự nghiên cứu để lĩnh hội tri thức. Vai trò chủ yếu của người dạy sẽ là người hướng dẫn, kiểm tra và điều chỉnh (nếu cần) quá trình người học đạt được các năng lực đề ra.
Năm là, việc đánh giá kết quả học tập trong hoạt động dạy học cũng trở nên chuyên biệt, áp dụng riêng biệt theo từng cá nhân hoặc nhóm cụ thể (không đánh giá đại trà như hiện nay).
Sáu là, chuẩn đầu ra của Giáo dục đại học 5.0 là tạo nguồn nhân lực có kiến thức tổng quát, sâu rộng, có kỹ năng chuyên biệt, đa nhiệm, có năng lực, trình độ chuyên môn cao, có tinh thần tự học suốt đời, đặc biệt có tư duy đổi mới, sáng tạo, chủ động tham gia vào chương trình kiến thiết xã hội thông minh.Những yêu cầu về kiến thức cơ bản, kinh nghiệm thực tế sẽ không còn được đề cao, bởi người máy AI sẽ cung cấp, cập nhật một cách có hệ thống các thông tin, dữ liệu cần thiết này cho người học. Thay vào đó, người học cần tập trung vào phát triển tư duy sáng tạo; các kỹ năng lập trình và thiết lập kế hoạch, dự án cho xã hội tương lai; kỹ năng quản lý và chỉ huy công việc và các nguồn lực, trong đó có nhân lực, người máy và các phương tiện kỹ thuật hiện đại khác. Một trong những điểm nhấn của giáo dục đại học 5.0 là phải đào tạo con người biết cách quản lý, điều hành và phân bổ công việc cho lực lượng người máy, tạo ra hiệu quả trong công việc.
Nhìn chung, triển vọng phát triển của nền Giáo dục đại học 5.0 là rất tích cực, và sẽ tạo ra động lực tích cực cho sự phát triển chung của xã hội và góp phần thúc đẩy tiến trình đi lên của nền văn minh nhân loại trong tương lai.
3. Phương pháp dạy học trong Giáo dục đại học 5.0
Theo báo cáo năm 2024 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF),“tới năm 2030, người lao động trong tương lai phải có kỹ năng về AI, có kiến thức và năng lực để chủ động phát triển cũng như duy trì các mô hình AI”[5]. Còn theo dự báo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), các công việc đòi hỏi kỹ năng thấp sẽ có nguy cơ cao nhất rơi vào tay AI. Đồng thời, khi ngành công nghiệp AI càng phát triển, xã hội tương lai sẽ cần đến những chuyên gia, nhà khoa học dữ liệu, các kỹ sư phần mềm, các nhà nghiên cứu và quản lý AI. Đặc biệt, AI cũng khó có thể thay thế được một số kỹ năng của con người, nhất là liên quan đến tương tác và cảm xúc, hay khả năng sáng tạo và đổi mới, khả năng nhận biết và xử lý các yếu tố phi logic liên quan đến tình cảm, văn hóa, đạo đức xã hội của con người. Trong cuốn “21 bài học cho thế kỷ 21”, tác giả Yuval Noah Harari đã viết: “Để theo kịp thế giới năm 2050, bạn không chỉ cần đưa ra những ý tưởng, sản phẩm mới mà trước hết, bạn cần phải liên tục cập nhật bản thân” và “điều quan trọng nhất sẽ là khả năng thích ứng với sự thay đổi; học hỏi những điều mới và giữ bình tĩnh trong những tình huống xa lạ” [6]. Những dự báo nêu trên là những chỉ dấu, gợi mở cho việc định hướng nội dung dạy học và xác định các chuẩn đầu ra cho hoạt động dạy học; đồng thời, điều hướng phương pháp tiếp cận của người học và người dạy của nền Giáo dục đại học 5.0.
Về phương pháp dạy học cho nền giáo dục tương lai, yếu tố người dạy đóng vai trò quan trọng, có vai trò quyết định đến chất lượng chuẩn đầu ra (khả năng, năng lực của người học). Người dạy trong nền giáo dục hiện đại sẽ phải thay đổi cách thức làm việc. Người dạy không nhất thiết phải lên giảng đường thuyết giảng theo cách truyền thống, mà có thể giảng dạy tại nhà, tại bất cứ đâu. Về bản chất, công việc của người dạy không nằm trong khái niệm “giảng dạy” đơn thuần, mà là tổng hợp các hoạt động “giảng dạy – hỗ trợ – kiểm tra – tương tác” với người học trên không gian thực hoặc trong môi trường ảo. Vai trò giảng dạy sẽ cân bằng với vai trò cố vấn, hỗ trợ và định hướng. Bởi vì, người học sẽ tiếp cận đa nguồn cung cấp tri thức (như gia sư, người máy, Internet, sách báo) để tự học, tự tiếp thu tri thức. Người dạy là huấn luyện viên chỉ cho người học con đường đạt được các năng lực cần có cho xã hội tương lai. Người dạy sẽ sử dụng người máy thông minh, có tích hợp AI và công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR) để tương tác, làm việc với người học, để tối ưu hóa các khả năng và hiệu quả của hoạt động dạy học. Do đó, người dạy trong tương lai đòi hỏi phải rất am hiểu về công nghệ, kỹ thuật số. Người dạy không chỉ biết sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ như Chat GPT, AI hay công nghệ khác để tạo ra các bài giảng điện tử, phương thức tương tác trong không gian mạng/không gian ảo,…Đồng thời, cần biết điều phối hài hoà các yếu tố công nghệ này với việc phân phối hợp lý kiến thức, tổ chức hình thành kỹ năng, thái độ cho người học; tạo động lực cho người học, hướng dẫn họ tiếp cận với tri thức mới có thể áp dụng vào thực tế.
Người học trong Giáo dục đại học 5.0 đóng vai trò trung tâm, được chuyên biệt hoá theo cá nhân. Các yếu tố của quá trình dạy học (nội dung, phương pháp và người dạy, phương tiện kỹ thuật dạy học) phải được thiết kế, xây dựng và thực hiện theo đặc thù của từng cá nhân người học. Người học sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc học; người học được thiết kế một lộ trình, kế hoạch phát triển bản thân theo “kịch bản riêng” của cá nhân. Người học cũng không nhất thiết phải lên lớp hàng ngày, nghe giảng theo tiết học, mà có thể tiếp cận các môn học trên môi trường trực tuyến, từ xa, hoặc tham gia và hoàn thành các khóa học online. Điều này đòi hỏi người học phải chủ động, tích cực ở mức độ cao; khả năng thích ứng linh hoạt với các phương pháp dạy học tiên tiến, với các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Đồng thời, bản thân người học phải tự xác định “lộ trình” học tập của mình và chịu trách nhiệm về lộ trình đó, và hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu và hoàn thành các khoá học theo yêu cầu. Hơn hết, người học cần đạt được các năng lực, phẩm chất mới về tư duy sáng tạo đổi mới, khả năng xử lý các hoạt động mà người máy Ai không thể giải quyết được (về phi logic, về tình cảm, đạo đức, tương tác xã hội) và có kỹ năng nghiên cứu, phát triển, quản lý và điều hành AI.

Từ các yêu cầu, thách thức của Giáo dục đại học 5.0 về người học, người dạy và nội dung dạy học và các yếu tố khác về công nghệ, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, chúng ta có thể đưa ra một số gợi ý về hướng tiếp cận và lựa chọn phương pháp dạy học trong tương lai. Đó là: i) Phương pháp tiếp cận liên ngành/xuyên ngành. Khoa học kỹ thuật càng phát triển ở cấp độ cao, mối quan hệ, liên kết giữa các lĩnh vực hay chuyên ngành càng trở nên gần gũi, tương hỗ, bổ trợ cho nhau. Do đó, xu hướng dạy học liên ngành, xuyên ngành đã hình thành trong thời điểm hiện tại và phát triển, phổ biến trong tương lai gần. Nội dung dạy học sẽ ngày càng sâu rộng, có tính hệ thống và tổng quát cao; ii) Dạy học theo hướng tư duy sáng tạo, đổi mới, linh hoạt thích ứng với điều kiện thay đổi nhanh của xã hội số. Kết quả của quá trình dạy học không chỉ đơn giản là trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ và trách nhiệm của người học, mà cần đạt ở cấp độ cao hơn: Tạo ra lực lượng lao động có năng lực, trình độ bậc cao, có khả năng sáng tạo, đổi mới và thích ứng với môi trường số, với hiệu suất và hiệu quả công việc lớn. Người lao động chủ yếu làm việc trong lĩnh vực tư duy hệ thống, lập kế hoạch và thiết kế, lập trình và quản lý hệ thống đó, còn những công việc khác sẽ do người máy thông minh đảm nhiệm; iii) Dạy học theo dự án/sản phẩm. Trong quá trình dạy học, thường chú trọng nhiều đến việc tạo ra các sản phẩm (vật chất hoặc phi vật chất), theo nhóm hoặc theo cá nhân. Sản phẩm không chỉ thuần túy có giá trị về lý thuyết, mà đa phần là tạo ra sản phẩm vật chất phục vụ cho xã hội; iv) Phương pháp dạy học theo hiện tượng, hướng đến việc giải quyết các vấn đề trong thực tiễn xã hội. Phương pháp này giúp người học có cái nhìn bao quát, đa diện về các sự vật, hiện tượng và vấn đề xảy ra trong trước và trong Xã hội 5.0.
Như vậy, phương pháp dạy học phù hợp với Giáo dục đại học 5.0 cần phải tích hợp theo các hướng tiếp cận khác nhau. Tổng hòa các hướng tiếp cận này đặt trong sự thống nhất chung của hoạt động dạy học có thể là phương án tối ưu để có được một phương pháp dạy học phù hợp cho giáo dục trong tương lai.
Hiện nay, có thể thấy phương pháp giáo dục STEM là phương pháp hội tụ nhiều yếu tố và phù hợp với hướng tiếp cận đã trình bày ở trên. STEM được áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, như Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Phần Lan… Trong STEM có sự kết hợp của 04 lĩnh vực gồm: Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Math), nhằm mục đích thúc đẩy khả năng tư duy sáng tạo, hành động và giải quyết vấn đề, hiện tượng và hoàn thành các dự án/sản phẩm có tính ứng dụng cao cho đời sống xã hội. Tuy vậy, để mô hình – phương pháp giáo dục STEM trở nên phù hợp với đa lĩnh vực, từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội, cần có sự điều chỉnh và bổ sung và đổi mới cách thực tổ chức, thực hiện trong hoạt động dạy học. Có như vậy, mới tạo ra phương pháp dạy học mới mẻ, toàn diện và phù hợp với yêu cầu của nền Giáo dục đại học 5.0.
4. Đề xuất hướng tiếp cận Giáo dục đại học 5.0 tại Việt Nam
Sự phát triển của Xã hội 5.0 là một tất yếu của lịch sử xã hội con người. Giáo dục đại học 5.0 sẽ hình thành và phát triển trong tương lai không xa. Các nước tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Phần Lan,…đã và đang nhanh chóng bắt tay chuẩn bị, sẵn sàng cho tương lai. Do đó, đối với Việt Nam cũng cần nhanh tay bắt nhịp và chủ động thực hiện các nội dung đề xuất, khuyến nghị sau đây.
Một là, các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách củaViệt Nam cần tăng cường tổ chức nghiên cứu và không ngừng tiếp cận, cập nhật và học hỏi các chính sách, chiến lược, mô hình và định hướng phát triển Giáo dục đại học 5.0 trên thế giới. Từ đó, xem xét tính ưu việt và đánh giá những khó khăn, thách thức, để từng bước tích hợp, áp dụng vào Việt Nam phù hợp với đặc điểm, bối cảnh tình hình giáo dục đại học trong nước.
Hai là, từ các cấp ban, ngành quản lý trung ương đến các trường đại học ở cơ sở cần nhanh chóng bắt tay vào quá trình nghiên cứu và phát triển (R&D) về Giáo dục đại học 5.0; từ đó đưa ra các chính sách, hướng tiếp cận phù hợp ở cấp ngành và cho các cơ sở đào tạo, cho từng ngành học chuyên biệt.
Ba là, tại các cơ sở đào tạo bậc đại học, các khoa, viện đào tạo cần tích cực tham gia, đẩy mạnh vào quá trình nghiên cứu, đánh giá, nâng cao chất lượng hoạt động dạy học; đồng thời không ngừng cập nhật, đổi mới phương pháp, nội dung dạy học và đổi mới phương pháp đánh giá, nâng cao chất lượng chuẩn đầu ra theo định hướng tiến bộ chung của xã hội hiện đại và định hướng Xã hội 5.0.
Bốn là, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đại học trong cả nước cần không ngừng học hỏi, nghiên cứu chuyên sâu và nâng cao, đổi mới các kỹ năng, phương pháp tiên tiến trong giảng dạy; tăng cường tiếp cận công nghệ dạy học, tích hợp nhiều ứng dụng, kĩ năng truyền đạt thông tin, tri thức vào trong nội dung bài giảng; có nhận thức sâu sắc về đổi mới tư duy, sáng tạo trong thiết kế bài giảng và kế hoạch giảng bài; tăng cường khả năng chuyên biệt hoá cá nhân trong quá trình dạy học, để đáp ứng yêu cầu của nền Giáo dục đại học 5.0.
Năm là, cần có nhiều hơn các chương trình hội thảo, chuyên đề, tọa đàm và các hình thức nghiên cứu, thảo luận, đánh giá khác ở nhiều cấp độ về Giáo dục 5.0 nói chung và Giáo dục đại học 5.0 nói riêng trong sự vận động phát triển của Xã hội số. Trong đó, Hội thảo “Giáo dục đại học 5.0: Đổi mới và thích ứng vì tương lai” do Khoa Quốc tế Pháp ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức lần này là một ví dụ điển hình. Những hội thảo có giá trị và ý nghĩa thực tiễn này cần được tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc thêm trong tương lai.
5. Kết luận
Xã hội đang thay đổi liên tục. Các nền tảng kỹ thuật công nghệ hiện đại đang đẩy nhanh tiến trình vận động, phát triển của xã hội toàn cầu. Chúng ta đang hướng tới một xã hội mới của tương lai trong 10-15 năm tới: Xã hội 5.0 – xã hội số – “siêu thông minh”, “siêu hiệu quả”. Những yêu cầu mới của xã hội số sẽ định hình bản sắc của nền giáo dục tương lai, đặc biệt là Giáo dục đại học 5.0. Trong nền giáo dục đại học tương lai, các thành tố tham gia vào hoạt động dạy học, như người học, người dạy, phương tiện kĩ thuật, nội dung và phương pháp giảng dạy sẽ thay đổi và thích ứng. Người học là trung tâm của hoạt động dạy học, được chuyên biệt hoá cá nhân nhằm đạt hiệu quả tối đa theo chuẩn đầu ra, đáp ứng nhu cầu của xã hội số. Người dạy sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình tương tác, cố vấn, hỗ trợ và định hướng cho người học. Nội dung dạy học được chuyên môn hoá cao, với sự tham gia của người máy thông minh và các ứng dụng công nghệ hiện đại khác (như AI, thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường), tiếp cận theo hướng liên ngành/xuyên ngành, nhằm cung cấp hệ thống tri thức tổng quát, kỹ năng chuyên biệt và tư duy sáng tạo đổi mới không ngừng cho người học, hướng tới năng lực hoàn thành các sản phẩm/dự án hay giải quyết các vấn đề, hiện tượng của xã hội số. Do đó, đổi mới phương pháp dạy học là một yêu cầu bắt buộc trong Giáo dục đại học 5.0. Phương pháp dạy học hiện đại phải tích hợp theo các hướng tiếp cận khác nhau, xuất phát từ yêu cầu của xã hội mới. Phương pháp dạy học cần đặt trong tổng hòa, thống nhất chung của hoạt động dạy học mới, nhằm phù hợp với các giá trị cốt lõi, sứ mệnh, tầm nhìn của giáo dục đại học trong tương lai./.
Tác giả: TS. Nguyễn Minh Tuấn
Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội
(Bài viết công bố trên Tạp chí VHNT Quân đội số 54, tháng 1/2025)
Tài liệu trích dẫn
[1] Xem: Đức Cường, Hồng Khang (2020), Nhật Bản sẵn sàng bước vào xã hội 5.0, <https://vtv.vn/kinh-te/nhat-ban-san-sang-buoc-vao-xa-hoi-50-20200210110652515.htm > truy cập ngày 25/5/2024.
[2] Xem: Japanese Cabinet Office, Society 5.0 <https://www8.cao.go.jp/cstp/english/society5_0/index.html > truy cập ngày 25/5/2024.
[3] Xem: Nguyễn Ngọc Bình (2020), Xã hội 5.0 của Nhật Bản và Công nghiệp 4.0, Tạp chí Điện tử, số 210.
[4] Shelkunov M.D., Karimov A.P (2019), Xã hội 5.0 về các khía cạnh công nghệ, xã hội và nhân học // Tạp chí Kinh tế, Luật và Xã hội học, 2019, Số 3. Tr. 158–164. (Ngôn ngữ: tiếng Nga)
[5] Xem: Anh Thư (2024), Cơ hội và thách thức mới cho thị trường lao động, <https://nhandan.vn/co-hoi-va-thach-thuc-moi-cho-thi-truong-lao-dong-post810884.html> truy cập ngày 25/5/2024.
[6] Yuval Noah Harari (2019), 21 bài học cho thế kỷ 21, M.: Sinbad, 2019. tr.365 (ngôn ngữ: Tiếng Nga)
Để lại một phản hồi