
Đại tá, Nhà giáo ưu tú, Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy là nhân vật chính trong chương trình “Con đường âm nhạc” của Đài Truyền hình Việt Nam phát vừa sóng hôm 3-4-2022. Đây là sự kiện giới thiệu và vinh danh về hành trình âm nhạc và các sáng tác nổi tiếng người nhạc sĩ tài hoa.
Gần nửa thế kỷ gắn bó với âm nhạc
Trong đêm nhạc ngập tràn cảm xúc, khán giả xem truyền hình cả nước được thưởng thức không gian âm nhạc đa màu sắc, với 10 tác phẩm mang đậm dấu ấn qua các thời kỳ của nhạc sĩ Xuân Thuỷ. Chúng tôi là những người may mắn khi có mặt tại khán phòng ghi hình ở Cung Văn hoá hữu nghị Việt-Xô để lắng nghe câu chuyện đời, câu chuyện nghề của anh.
Nhạc sĩ Xuân Thuỷ sinh ra và lớn lên trên miền quê xứ Nghệ, vùng đất gió Lào nắng cháy, nơi mà con người quen với nếp sống giản dị về vật chất, nhưng lại giàu có về tình cảm. Mảnh đất “địa linh nhân kiệt” ấy đã nuôi dưỡng tinh thần hiếu học, ý chí vượt khó và một tâm hồn trọng tình trọng nghĩa, đầy chất lãng mạn trong anh.
Câu chuyện về hành trình đến với âm nhạc của Xuân Thủy bắt đầu từ những năm 1980, với kỷ vật gia đình là chiếc đài quay đĩa than Melodia. Với Xuân Thủy, chiếc đài ấy được cha anh mang về từ nước ngoài, đã gắn bó với tuổi thơ của anh, đã đem đến cho anh sự tiếp xúc đầu tiên với âm nhạc. Năm 1982, trong đợt Đoàn Văn công Quân khu 4 tuyển sinh ở thành phố Vinh, gia đình đã đưa Xuân Thủy đến dự tuyển năng khiếu, và trúng sơ tuyển. Năm 1983, khi vừa tròn 13 tuổi, anh đã trở thành thiếu sinh quân, được tuyển về Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4. Sau đó anh theo học chuyên ngành Violon tại Trường Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội).
Ngoài học Violon, với tinh thần ham học, Xuân Thủy vẫn dành thời gian để học thêm một số nhạc cụ khác như trống, đàn guitar, đồng thời nghiên cứu thêm về âm nhạc, để làm giàu kiến thức và kỹ năng cho bản thân. Trong những năm cuối 1980, Xuân Thuỷ cùng các đồng đội đã thành lập đội nghệ thuật biểu diễn nhạc nhẹ, và đi biểu diễn tại nhiều đơn vị trong Quân đội, được nhiều chiến sĩ yêu mến. Quá trình tiếp xúc với nhạc nhẹ, Xuân Thủy bắt đầu đam mê sáng tác và phối khí.
Kết thúc chặng đường 7 năm học hệ sơ-trung, Xuân Thủy có nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp. Nhưng anh quyết định trở về Quân khu 4 nhận công tác, bởi anh tâm niệm “từ Quân đội đi học thì sẽ trở về phục vụ, cống hiến cho Quân đội”. Hành trang người lính mang theo khi về công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 4 là lượng kiến thức không nhỏ và trái tim âm nhạc đầy nhiệt huyết. Trở về đơn vị cũ làm việc là khoảng thời gian có ý nghĩa đặc biệt đối với Xuân Thuỷ, giúp anh hiểu hơn về đời sống tinh thần ở cơ sở, và được đi biểu diễn nhiều nơi cho chiến sĩ, đồng bào miền Trung thân yêu.
Năm 1993, Xuân Thủy tiếp tục được cử đi học chuyên ngành Sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội. Tốt nghiệp xuất sắc ngành Sáng tác âm nhạc, cùng một lúc, Xuân Thuỷ có 2 sự lựa chọn làm giảng viên tại Nhạc viện Hà Nội và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Một lần nữa trái tim người chiến sĩ- nghệ sĩ ấy đã không đắn đo lựa chọn tình yêu với mái trường Quân đội. Anh xúc động chia xẻ: “Tôi mang ơn Quân đội, những gì tôi có được ngày hôm nay là nhờ Quân đội nuôi nấng, dạy dỗ và rèn luyện. Vì thế tôi quyết định gắn bó cuộc đời với ngôi trường Nghệ thuật quân đội”.
Năm 2001, Xuân Thuỷ được Nhà trường nhận về làm giảng viên khoa Âm nhạc, đảm nhiệm giảng dạy 2 bộ môn Sáng tác âm nhạc và Hòa tấu dàn nhạc. Trong giảng dạy, nhà giáo Xuân Thủy luôn tạo hết điều kiện để học trò phát huy tối đa năng lực, sở trường, tinh tế quan sát để nắm thế mạnh của từng em. Đối với nhiều bạn bè, đồng nghiệp và học trò, đằng sau bóng dáng của nhạc sĩ tài hoa, từ trong sâu thẳm Xuân Thủy là người thầy rất đời thường và bình dị. Cho đến nay, trong hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” dưới mái trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, rất nhiều thế hệ học trò đã tỏa sáng trên mọi miền tổ quốc dưới sự hướng dẫn tận tâm của Nhà giáo ưu tú Xuân Thuỷ.
Gần nửa thế kỷ hoạt động nghệ thuật, bằng trái tim yêu nồng nàn với âm nhạc, nhạc sỹ Xuân Thủy đã cho ra đời những sáng tác đa dạng ở đề tài nhưng gần gũi, chân thành và đầy cảm xúc. Từ một thiếu sinh quân của Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4, trải qua nhiều thăng trầm trong nghề, Xuân Thuỷ từng bước khẳng định tài năng, được đông đảo công chúng trong cả nước yêu mến. Và đến nay anh đã trở thành người đứng đầu một đơn vị đào tạo nghệ thuật lớn cả nước – Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội.
Người nghệ sĩ tài hoa
Chúng tôi ngồi lặng yên, đón xem từng tác phẩm trong chương trình “Con đường âm nhạc” của nhạc sỹ Xuân Thuỷ. Chương trình có kết cấu gồm 3 phần: “Tình yêu quê hương nguồn cội”; “Ca khúc cách mạng người lính”; và “Lời nhắn gửi tương lai”, đã làm nổi bật những mảng đề tài sáng tác và phong cách nghệ thuật đặc sắc của người nhạc sĩ Quân đội. Đêm nhạc là dịp tôn vinh những cống hiến của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho nền âm nhạc Việt Nam, đồng thời là món quà tri ân gửi tới khán giả yêu mến trên cả nước.
Chương trình mở đầu bằng ca khúc nổi tiếng “Về Hà Tĩnh người ơi” – một tác phẩm ra đời từ năm 1999, được tác giả “giấu” tận 14 năm sau mới ra mắt, và được thể hiện thành công qua tiếng hát của Quán quân Sao Mai Bùi Lê Mận. Tiếp đó là các ca khúc thấm đẫm tình quê hương như: “Đôi miền sông quê”, “Lời con muốn nói”, “Lời ru nguồn cội”. Lời ca như tiếng lòng của người nhạc sĩ luôn đau đáu hướng về quê hương. Trên sân khấu, nhạc sĩ Xuân Thuỷ chia sẻ: “Với tôi, miền quê đó là những ngày “nắng trũng hai vai, mưa thâm mắt cá”. Nhờ những câu hát ru đêm đêm của mẹ, những câu Kiều của bà, những câu chuyện về người lính của ông, cùng dòng sữa ngọt ngào của câu dân ca Ví Dặm đã nuôi tôi lớn lên, và là hành trang theo tôi suốt cuộc đời”.

Ngoài những ca khúc hay về quê hương, nhạc sĩ Xuân Thuỷ còn có những ca khúc mang âm hưởng thính phòng đặc sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đêm nhạc, ca khúc “Nhớ Bác” do ca sỹ Vũ Thắng Lợi trình bày đã để lại nhiều cảm xúc cho khán giả yêu nhạc. Đây là tác phẩm từng đạt huy chương Vàng tại Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2014. Ngoài ra, Xuân Thuỷ còn có các tác phẩm nổi bật khác viết về Bác như: “Về thăm quê Bác” (Giải A Hội diễn Làng Sen năm 1992), “Việt Bắc nhớ làng Sen” (Bằng khen của Tổng cục Chính trị năm 2013). Năm 2020, anh viết ca khúc “Nụ cười Tháng Năm”. Đây là tác phẩm tiêu biểu về Bác Hồ trong giai đoạn mới, đã được chọn biểu diễn cùng với những ca khúc nổi tiếng khác tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Là nhạc sĩ trưởng thành trong môi trường Quân đội, âm nhạc của Xuân Thủy vừa mang nét đẹp, tâm hồn dân tộc, lại có sự khỏe khoắn của người chiến sĩ – nghệ sĩ. Anh đã đưa khán giả đến với hình ảnh người chiến sĩ, tình yêu, tuổi trẻ… một cách tự nhiên, hồn hậu bằng giai điệu tinh tế, vốn ca từ phong phú, giàu hình tượng. Trong các ca khúc của nhạc sĩ Xuân Thủy, công chúng cảm nhận được tình đồng chí, đồng đội, tình yêu quê hương, đất nước và những thông điệp cuộc sống. Mỗi sáng tác của anh luôn chất chứa cảm xúc mãnh liệt.
Đặc biệt, các sáng tác của nhạc sĩ Xuân Thuỷ về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng có vị trí quan trọng trong hành trình âm nhạc của mình. Có rất nhiều tác phẩm của anh quen thuộc với đông đảo các chiến sĩ, như ca khúc “Hành trang người lính hát” (Giải C Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật – Báo chí giai đoạn 1999-2004, Bộ Quốc phòng), “Bước chân người lính” (Giải B Liên hoan đơn ca và ban nhạc do Tổng cục Chính trị tổ chức năm 2000). Hay các tác phẩm nổi bật khác như: “Khát vọng bầu trời”, “Lính trẻ trên quê hương Bác”, “Lính nhà giàn”, “Đến với Trường Sa”, “Phố đảo”…Đặc biệt, mới đây ca khúc “Tượng đài chiến thắng” của Xuân Thuỷ đã giành giải A giải thưởng văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng 5 năm (2014-2019). Ngoài sáng tác, Xuân Thuỷ còn viết khí nhạc, làm công việc phối khí, chỉ huy dàn nhạc. Ở mảng nào anh cũng có những thành tựu của riêng mình, được đồng nghiệp nể trọng và khán giả quý mến.
Nói về Đại tá, nhạc sĩ Xuân Thuỷ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam nhận xét: “Anh ấy biết sàng lọc những điểm mạnh, điểm tốt của âm nhạc, kể cả âm nhạc quốc tế, kết với tinh hoa mang “hồn cốt”của dân tộc để tư duy, chắt lọc đưa vào tác phẩm của mình một cách hiệu quả”. Đó là hình ảnh một người nghệ sĩ rất chỉnh chu, gương mẫu và miệt mài trong lao động âm nhạc. Đặc biệt, anh có tư duy sắc bén không chỉ trong lĩnh vực sáng tác ca khúc, vốn là sở trường của anh, mà còn phấn đấu có nhiều tác phẩm về hoà tấu, độc tấu,… phối hợp giữa nhạc cụ dân tộc và nhạc cụ phương tây.
Nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ thêm: “Mặc dù học Violon, nhưng Xuân Thuỷ sớm bộc lộ năng khiếu về dòng nhạc nhẹ và có sự tìm tòi nghiên cứu, cập nhật về phong cách này. Trong lúc học sáng tác, anh ấy đã là người làm phối khí và dàn dựng âm nhạc có cá tính”.
Đối với nhạc sĩ Đỗ Bảo, Xuân Thuỷ là “người có bề dày hoạt động âm nhạc, không chỉ trong lĩnh vực sáng tác ca khúc, còn còn trong cả phối khí, dàn dựng dàn nhạc và nhất là khí nhạc. Đặc biệt, nhạc sĩ Xuân Thuỷ rất yêu sáng tác, và thường truyền tình cảm ấy cho thế hệ trẻ”. Còn với Thiếu tá, ca sĩ Xuân Hảo, giảng viên Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, nhạc sĩ Xuân Thuỷ là người thầy đã “truyền dạy rất nhiều về lý thuyết âm nhạc, về cách thể hiện các tác phẩm, cũng như các kỹ năng sư phạm chuyên nghiệp”. Xuân Hảo đã giảng dạy rất nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Xuân Thuỷ cho học viên của mình. “Và đã có nhiều em dự thi bằng các ca khúc của nhạc sĩ Xuân Thuỷ, giành được các giải ở cấp quốc gia”.
Âm nhạc của Đại tá, nhạc sĩ Xuân Thủy vừa giàu tính học thuật, đậm chất hàn lâm, nhưng có sự điều tiết kỹ thuật sáng tác hợp lý, tạo sự hiệu quả, nâng hình tượng âm nhạc, không bị sa đà vào phô diễn kỹ thuật khiến người nghe khó cảm nhận. Do đó, mỗi tác phẩm của Xuân Thuỷ là một sự sáng tạo mới mẻ, và chắc chắn anh sẽ không ngừng sáng tạo trong hành trình âm nhạc tiếp theo của mình.
Trọn đời cống hiến cho VHNT Quân đội
Trong phần kết chương trình “Con đường âm nhạc” của nhạc sĩ Xuân Thuỷ, chúng tôi cảm nhận sâu sắc những điều anh tâm niệm về cuộc sống và về “Lời nhắn gửi tương lai”. Đó là những lời thiết tha, cháy bỏng trong lời ca “Lời ru cội nguồn”, để “mong cho tan bão tố, cho quê hương yên bình” và mong cho thế hệ sau mau khôn lớn, tiếp bước cha anh dựng xây Tổ quốc. Lời nhắn gửi đó xuất phát từ trái tim yêu dành cho đời, cho người. Và dành cho cả sự nghiệp giáo dục đào tạo thế hệ trẻ mà anh nguyện trọn đời cống hiến.

“Con đường âm nhạc của tôi bắt đầu từ miền quê yêu dấu, từ gia đình và những người thân yêu nhất. Tôi tự hoà là một người lính, là một người giảng viên và tự hào vì sự lựa chọn của mình. Tôi luôn mong muốn có thể đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ được nhiều hơn nữa những thế hệ các nhạc sĩ, nghệ sĩ trẻ, để cùng với chúng tôi, tiếp tục đồng hành trên con đường âm nhạc của Quân đội, con đường âm nhạc của Việt Nam”, nhạc sĩ Xuân Thuỷ xúc động nói.
Chính nhạc sĩ Xuân Thuỷ, với vai trò là Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, đã và đang cụ thể hoá phương châm đào tạo của Nhà trường là “dạy những gì Quân đội và xã hội cần”. Đó là chủ trương xuyên suốt trong những năm qua, trở thành một nội dung đặc biệt quan trọng trong sứ mệnh của Nhà trường trong giai đoạn mới.
Trong chặng đường đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ “chiến sĩ – nghệ sĩ” đó, Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, trở thành bệ phóng cho nhiều tài năng trong và ngoài Quân đội. Chính họ sau này trở thành các hạt nhân văn hoá nghệ thuật tại quân binh chủng hay các quân khu, vùng địa bàn chiến lược trên cả nước. Đồng thời, góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá địa phương, tham gia tích cực, xung kích trên mặt trận văn hoá tư tưởng tại các vùng trọng điểm, vùng sâu vùng xa, nơi biên cương Tổ quốc.
Luôn tâm huyết trên hành trình âm nhạc gần nửa thế kỷ, nhạc sĩ Xuân Thủy sẽ tiếp tục cống hiến không ngừng cho sứ mệnh mà Quân đội và đất nước giao cho Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Từ đó, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên mặt trận văn hóa tư tưởng.
Tác giả: Minh Tuấn (Theo Tạp chí VHNTQĐ)
Để lại một phản hồi