“Thời thanh niên sôi nổi” của những công nhân lao động hợp tác quốc tế

Sự chuyên nghiệp của nghề báo là việc nói cho công chúng thứ họ cần biết, chứ không chỉ điều họ muốn biết"

- Walter Cronkite

Câu chuyện ý nghĩa về kỷ niệm tuổi thanh xuân tươi đẹp của những cựu công nhân lao động hợp tác quốc tế thời Xô viết tại Kazakhstan – một trong 15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây.

Những ngày tháng Ba, mưa xuân nhẹ rơi trên khắp phố phường Hà Nội. Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại thủ đô đã dần được kiểm soát, nên phố xá bắt đầu đông người qua lại. Chúng tôi ngồi ngắm mưa trong một góc nhỏ của phố Lý Văn Phức Ngồi cạnh chúng tôi là chị Nguyễn Thị Ngọc (sinh năm 1963, quê ở Hà Nội) và 4 người bạn thân đồng trang lứa – những cựu công nhân lao động hợp tác quốc tế thời Xô viết trên đất nước Kazakhstan – một trong 15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây.

Trong một dịp tình cờ, chúng tôi được nghe câu chuyện của chị Ngọc và đoàn 300 công nhân Việt Nam từng sinh sống và làm việc cách đây 38 năm trên mảnh đất Xô viết ân tình, nơi ghi lại dấu ấn tươi đẹp về “thời thanh niên sôi nổi” và những kỷ niệm khó phai của họ về đất nước xã hội chủ nghĩa anh em.  

Tuổi thanh xuân trên đất nước Xô viết

Theo lời kể của chị Ngọc, năm 1983 theo tiếng gọi của Tổ quốc, chị cùng với 300 công nhân Việt Nam lên đường sang Liên Xô làm việc theo diện hợp tác lao động. Và đất nước mà họ được gửi đến là Kazakhstan, nơi họ làm việc tại nhà máy sản xuất giày ở thành phố Dzambul, nằm ở phía Nam của quốc gia Trung Á.

Khi đó, những chàng trai cô gái Việt Nam tuổi đời mới mười chín, đôi mươi từ biệt gia đình, quyết tâm lên đường hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hành trang trên vai họ là những lời dặn dò của người thân, tấm ảnh gia đình và những dòng nhật ký viết vội những đêm miệt mài đèn sách. Rồi họ còn mang theo cả nỗi nhớ nhà da diết.

Bên khung cửa nhỏ, cạnh những nhành hoa lan tím biếc, chị Ngọc bồi hồi nhớ lại: “Lúc đó tuổi trẻ rạo rực và mong muốn khám phá thế giới, cho nên anh chị em trong đoàn hăm hở lên đường. Nhưng lúc ra sân bay, khoảnh khắc chia tay gia đình bước vào phòng chờ, ai cũng rưng rưng nước mắt. Rồi lúc máy bay cất cánh, dần rời xa Tổ quốc, tất cả chúng tôi cùng òa khóc. Bởi vì đây là lần đầu tiên chúng tôi xa Tổ quốc, xa quê hương”.

Trải qua hành trình vạn dặm, chị Ngọc và những công nhân Việt Nam đã có mặt tại đất nước Kazakhstan xã hội chủ nghĩa. Ban đầu, mọi người chỉ biết là sẽ đi Liên Xô làm việc và không biết rõ sẽ đến khu vực cụ thể nào. Khi biết rằng, cả đoàn được cử đến đất nước Trung Á xa xôi để làm việc, chị Ngọc cùng nhiều người rất lo lắng, vì điều kiện thời tiết của vùng đất lạ và những tập tục văn hóa chưa hề quen biết.

Tuy nhiên, mọi lo lắng dần tan biến khi chị và đoàn công nhân Việt Nam nhận được chào đón và quan tâm ngay từ lúc đặt chân xuống nhà máy sản xuất giày Dzambul. Những người bạn Xô viết và người dân bản địa dành nhiều sự chăm sóc cho đoàn, cũng như tình cảm đặc biệt đối với dân tộc Việt Nam.

Ấn tượng đầu tiên đối với các chàng trai, cô gái Việt Nam khi đến Liên Xô là thiên nhiên, đất nước rất rộng lớn, thiên nhiên hùng vĩ và con người rất hiếu khách và tốt bụng. Đặc biệt là những thành phố được xây dựng hiện đại, các nhà máy công nghiệp quy mô, mà họ chưa bao giờ thấy trước đây. Tất cả những điều đó khiến chị Ngọc ngỡ ngàng và lòng đầy tự hào, vì được làm việc tại một trong những nhà máy sản xuất hiện đại, cung cấp giày cho toàn Liên bang Xô viết lúc bấy giờ.

“Chúng tôi sang vào dịp tháng Ba, lúc đó mùa đông sắp kết thúc. Lần đầu tiên thấy lớp tuyết mỏng trên các sườn đồi, chúng tôi cứ ngỡ người ta rắc vôi bột lên để xử lí đất. Sau đó mới biết là tuyết trắng. Mọi người vui mừng, cùng hò nhau ra chơi tuyết. Những giây phút đó chúng tôi tạm vơi đi nỗi nhớ nhà”, chị Ngọc chia sẻ.

Sau những ngày đầu ổn định chỗ ở, chị Ngọc và đội công nhân Việt Nam bước vào giai đoạn học tiếng Nga hơn 3 tháng. Đó là quãng thời gian đẹp nhất của mọi người, bởi họ được học với những cô giáo Xô viết tận tâm và thương yêu học trò. Họ còn được học những điều thú vị về văn hóa và con người Liên Xô, khám phá về miền đất Kazakhstan đầy nắng gió và về thành phố Dzambul, nơi họ dành cả tuổi thanh xuân tươi đẹp, thương yêu nhất.

Hai cựu công nhân Việt Nam, chị Nguyễn Thị Ngọc (bên phải) và chị Nguyễn Ngọc Bích vui mừng ngày gặp mặt. Ảnh: Minh Tuấn 

Kể về những ngày đầu đi học tiếng Nga, chị Nguyễn Ngọc Bích (sinh năm 1964, quê Hà Nội), người bạn cùng phân xưởng với chị Ngọc chia sẻ về những kỉ niệm đẹp cùng với cô giáo Xô viết và bạn bè cùng trang lứa trong những giờ lên lớp. Theo đó, lớp học của chị Bích có 10 bạn, hầu hết là người Việt Nam. Cô giáo Liên Xô rất nhiệt tình dạy và ân cần chỉ bảo cho mọi người học và giao tiếp bằng tiếng Nga.

“Tôi nhớ một lần, khi đang ngồi trên lớp học, thoáng nhìn thấy tuyết rơi dày ở bên ngoài cửa sổ. Nỗi nhớ nhà từ trong lòng tuôn trào, khiến tôi bật khóc. Sau đó các bạn Việt Nam cùng lớp cùng rưng rưng nước mắt. Cô giáo hiền từ tên là Khamiba ân cần hỏi lý do tôi khóc, rồi sau đó động viên rất nhiều. Đó là kỉ niệm mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in”, chị Bích nhớ lại.  

Sau 3 tháng học tập, những giờ lên lớp học tiếng Nga kết thúc, nhóm chị Ngọc, chị Bích và những công nhân Việt Nam khác nhanh chóng được xếp vào làm việc tại nhà máy giày ở thành phố Dzambul, nói họ được tiếp xúc và giao lưu với nhiều người cùng chung lý tưởng xã hội chủ nghĩa khác trên đất nước Xô viết anh hùng.

Kazakhstan – miền đất thương yêu

Đối với những cựu công nhân Việt Nam lao động hợp tác tại Liên bang Xô viết, những giờ làm việc trên phân xưởng là quãng thời gian ghi dấu nhiều kỷ niệm vui buồn khó phai trong lòng. Bởi ở đó, họ say mê làm việc, được kết bạn với những công nhân quốc tế khác, rồi tham gia nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao của công đoàn nhà máy.

Sau những ngày miệt mài sản xuất trên nhà máy, những chàng trai, cô gái Việt Nam lại trở về với khu ký túc xá nhỏ, nơi 300 con người chia sẻ cho nhau tình cảm thân thương nhất của những ngày tháng ở Liên Xô.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (quê ở Hà Nội), người bạn thân cùng đơn vị sản xuất của chị Ngọc, nhớ về kỷ niệm lần đi lạc đường trên đường trên trung tâm thành phố Dzambul. Khi đang rất lo lắng vì không biết làm cách nào để về kí túc xá, ngay lúc đó có một người đàn ông lớn tuổi người Kazakhstan đến hỏi thăm.

“Khi biết chúng tôi là người Việt Nam, ông reo lên: Ôi, Việt Nam. Việt Nam – Hồ Chí Minh anh hùng! Sau đó ông bắt tay mọi người và hỏi han nhiều điều về đất nước, con người Việt Nam. Cuối cùng, ông tận tình chỉ cho mọi người cách bắt xe buýt để về khu ký túc xá. Đó là những kỉ niệm mà đến bây giờ mỗi lần kể lại chúng tôi rất xúc động về tình cảm mà người dân Xô viết dành cho”, chị Hạnh kể lại.

Những ngày nghỉ, chị Hạnh và nhóm công nhân Việt Nam thường đi chợ mua đồ về làm nem, nấu phở hay các món ăn mang đậm hương vị của quê hương Việt Nam để chiêu đãi bạn bè Kazakhstan và những người bạn đồng nghiệp đến từ các nước như Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc,…Tuy còn nhiều khó khăn về rào cản ngôn ngữ và văn hóa, nhưng giữa họ luôn dành cho nhau tình cảm thương yêu, tinh thần đoàn kết giai cấp. Họ sống với nhau bằng tình cảm chân thành và nhân ái.

Vào những dịp cuối tuần, các đội công nhân Việt Nam thường tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, sinh hoạt văn hóa-văn nghệ. Đặc biệt là vào những ngày lễ lớn như Quốc tế Phụ nữ 8-3, Ngày Chiến thắng phát xít 9-5 và Ngày Cách mạng Tháng Mười vĩ đại rất nhiều hoạt động giao lưu được đoàn thanh niên và công đoàn nhà máy tổ chức.

“Chúng tôi cũng muốn mang những điệu múa mang đặc trưng văn hóa Việt Nam giới thiệu cho bạn bè Xô viết. Mấy chị em chúng tôi quyết định tập điệu múa Trống Cơm và múa sạp. Nhưng chợt nghĩ ở đất nước này lấy đâu ra tre để múa sạp. May sao mấy bà mẹ Xô viết giúp chúng tôi chặt lấy những cành bạch dương thẳng, để làm dụng cụ. Rồi chị em tụ tập lại may đồ truyền thống của Việt Nam. Buổi biểu diễn của nhóm công nhân Việt Nam được bạn bè Xô viết vô cùng thích thú”, chị Hạnh nhớ lại.

Đội văn nghệ Việt Nam biểu diễn nhân Ngày lễ Quốc khánh 2-9 tại Dzambul năm 1986. Ảnh nhân vật cung cấp 

Còn với nhiều anh em khác, những trận đá bóng giao lưu hay những trận thi đấu bóng đá hay bóng bàn gay cấn, giây phút được xướng tên lên nhận giải thi đấu của công đoàn thành phố là những kỉ niệm in đậm trong tâm trí họ. Đó là những kí ức đẹp của “thời thanh niên sôi nổi”, nơi họ đã sống và cống hiến những gì đẹp nhất của tuổi trẻ nơi xứ người.

Công việc làm theo ca liên tục và những giờ vui chơi văn hóa, thể thao quần chúng giúp họ dần vơi đi nỗi nhớ nhà. Nhưng mỗi lần Tết cổ truyền dân tộc đến, ai nấy đều thổn thức. Giờ đón giao thừa sắp tới mà nhiều chị em còn làm việc trên dây chuyền sản xuất. Mấy người khóc òa vì nhớ gia đình.

“Những lúc đó, các chị người Kazakhstan và bạn bè các nước Xô viết khác, rồi anh em làm cùng phân xưởng đến động viên, san sẻ. Họ mua đồ ăn về liên hoan mừng Năm mới với nhóm công nhân Việt Nam. Đó là những tình cảm chân thành và tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng mà chúng tôi vô cùng trân trọng”, – chị Hạnh kể lại.

Có lần, trong chương trình văn hóa của công đoàn nhà máy, nhiều bài hát dân ca của các nước Xô viết anh em được bật trong suốt thời gian diễn ra chương trình. Đến khi bài dân ca “Ru con” của Việt Nam cất lên, một góc khán phòng bỗng dưng nghe thấy tiếng khóc của mấy chị công nhân Việt Nam. Họ khóc vì nhớ quê, nhớ cha mẹ, nhớ người thân trong gia đình.

Sau gần 5 năm làm việc tại nhà máy Dzambul ở Kazakhstan, những công nhân Việt Nam đi lao động hợp tác tại Liên Xô hoàn thành nhiệm vụ và lên đường về nước. Đối với họ giây phút chia tay về nước thật khó tả. Những năm tháng gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây, khiến họ thấy mọi thứ đã trở nên thân thuộc. Con đường từ kí túc xá tới nhà máy, những hàng cây bạch dương xanh ngát, khu chợ nhỏ trên con dốc phía xa xa, hay những thảo nguyên xa xôi đầy nắng gió,…tất cả như muốn níu kéo bước chân họ ở lại.

Với chị Nguyễn Thị Linh Hương (quê Hà Nội), mảnh đất này dường như đã trở thành quê hương thứ hai, nơi có người mẹ nuôi người Kazakhstan hết mực yêu thương, người đã đùm bọc, nuôi dưỡng chị trong những tháng ngày khó khăn trên đất khách quê người. Bà mẹ Xô viết ấy đã săn sóc lúc chị ốm đau, rồi động viên, an ủi lúc nhớ nhà. Những ngày lễ, chị Hương và bạn bè lại về nhà mẹ nuôi để thăm nom.

“Năm 1987, ngày tôi ra sân bay về nước, bà mẹ nuôi tiễn tôi lên tận nơi. Trước đó, hai mẹ con quấn quýt với nhau cả ngày không rời. Bà nhẹ nhàng động viên tôi và dặn dò rất nhiều. Bà ngồi với tôi đến lúc chuyến xe cuối cùng về lại thành phố Dzambul, mới nói lời tạm biệt. Hai mẹ con ôm nhau khóc không thôi”, chị Hương nghẹn ngào kể.

“Tôi đứng vẫy tay chào mẹ nuôi lần cuối, rồi ngóng theo chiếc xe khách đưa bà về nhà. Tôi cố ngóng theo và vẫy tay không dứt. Chỉ khi chiếc xe đã rời xa, bóng của nó chỉ thấp thoáng nhỏ li ti trên con đường thẳng tắp, tôi mới ngừng dõi theo. Khoảnh khắc đó luôn ghi mãi trong tâm trí tôi cho đến tận bây giờ. Đó là những tình cảm sâu sắc và đẹp đẽ nhất về những bà mẹ Kazakhstan nói riêng, những bà mẹ Xô viết nói chung trong mỗi chúng tôi”, – chị Hương bùi ngùi nhớ lại.

Những hoài niệm Xô viết

Anh Phạm Công Minh (sinh năm 1964) là một trong những công nhân Việt Nam có thời gian làm việc lâu nhất (hơn 6 năm) tại nhà máy giày Dzambul ở Kazakhstan. Sau đó, anh còn tiếp tục làm thêm ở một nhà máy khác ở thành phố Kursk (Liên bang Nga) cho đến lúc Liên Xô tan rã.

“Bạn bè, đồng nghiệp các nước Xô viết rất quý công nhân Việt Nam vì đức tính cần cù, chăm chỉ và khéo léo. Do đó, khi công nhân Việt Nam về nước, các nhà máy sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, vì không tìm đâu ra lực lượng làm việc chất lượng cao như vậy”, anh Minh chia sẻ.

Anh Phạm Công Minh kể lại những hoài niệm Xô Viết. Ảnh: Minh Tuấn 

Làm việc ở các nước thuộc Liên bang Xô viết nhiều năm, chứng kiến những thay đổi bước ngoặt tại đây trong giai đoạn những năm đầu 1990, giờ đây khi ngồi ở Việt Nam, anh Minh mới có thời gian chiêm nghiệm lại tất cả. Với anh, quãng thời gian ở Dzambul luôn đẹp đẽ và đáng nhớ nhất. Bởi vì đó là nơi đầy ắp kỷ niệm của “thời thanh niên sôi nổi”, nơi cho anh tri thức và kĩ năng làm việc. Và nhờ những năm tháng lao động miệt mài trên đất nước Xô viết, anh và rất nhiều bạn bè Việt Nam khác đã tạo lập được những nền tảng vững chắc cho bản thân và gia đình sau này. Do đó, họ mang trong lòng sự biết ơn đối với mảnh đất và con người Xô viết xã hội chủ nghĩa.

Giờ đây, kỷ niệm 38 năm ngày lên đường sang Liên Xô, anh Minh cùng chị Ngọc, chị Hạnh và những cựu công nhân nhà máy sản xuất giày tại thành phố Dzambul vẫn luôn chất chứa trong lòng những tình cảm không bao giờ quên về đất nước, con người Kazakhstan đôn hậu và tình cảm thắm thiết của những người đồng chí cùng chung lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Trải qua những thăm trầm của cuộc sống nơi xứ người, chứng kiến sự tan rã đau lòng của Liên bang Xô viết và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, lòng họ đau như cắt và luôn chất chứa nỗi niềm hoài niệm về Liên Xô. Bởi ở đó, người ta sống với nhau chan chứa tình người và tình đồng chí, chia sẻ cho nhau những cay đắng, ngọt bùi một cách chân thành nhất.

Chúng tôi ngồi lặng im và chăm chú nghe lời kể của những cựu công nhân Việt Nam đi lao động hợp tác quốc tế ở Liên Xô. Trong câu chuyện hoài niệm của họ, chúng tôi mường tượng ra những điều tươi đẹp về Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, về tinh thần quốc tế vô sản cao đẹp, về lòng tốt và sự tử tế.

Xuất phát từ những kỷ niệm và tình cảm tốt đẹp đó, ở Việt Nam hiện nay có cả một diễn đàn mạng xã hội mang tên “Hoài niệm Liên Xô”, thu hút hàng chục nghìn người tham gia, để nhớ về “thời thanh niên sôi nổi” trên mảnh đất Xô viết anh hùng.

Tác giả: MINH TUẤN Báo QĐND điện tử

"New media and mobile entertainment are revolutionizing the way people learn about the world"

Stephen Kinzer

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*